Những ai làm cha mẹ hầu hết đều mong đợi giây phút bé yêu phát ra những lời đầu tiên, dù bập bẹ nhưng thật dễ thương phải không? Có nhiều cha mẹ nôn nóng vì mãi mà bé vẫn không chịu nói, đừng quá nôn nóng, hãy thật kiên nhẫn dạy bé tập nói theo những cách dưới đây. Rồi một ngày “chiếc loa phát thanh tí hon” sẽ làm bạn ngạc nhiên đấy!
Theo các nhà nghiên cứu thì “Từ 4 – 6 tháng tuổi trẻ bắt đầu lảm nhảm những từ có 2 âm tiết như: baba hay mama”, nó là tiền thân của những từ đầu tiên theo bản năng mà bé tự phát ra.
Các giai đoạn mà bé phải đi qua bao gồm; phát âm nguyên âm (0 – 3 tháng), nhân rộng theo cách bập bẹ, có nghĩa là lặp lại những âm thanh cùng một phụ âm như: bababa, dadada, (4 – 6 tháng), tăng bập bẹ với nhiều âm thanh pha trộn (6 – 9 tháng).
Dưới đây là 10 mẹo có thể giúp cho bé tập nói sớm, tăng cường khả năng diễn đạt những từ đầu tiên:
1. Tham gia vào cuộc “đàm thoại kỳ lạ” của bé
Dù chưa hiểu bé diễn đạt gì, bạn vẫn có thể tham gia vào “cuộc hội thoại” với tất cả niềm vui và sự hào hứng của bé. Đáp lại những âm thanh ngọt ngào và tiếng trọ trẹ dễ thương ấy bằng cách nhìn vào mắt bé, gật đầu, nói chuyện…Bé sẽ bắt đầu hiểu là bố mẹ lưu tâm mình, đó là một thông tin liên lạc hai chiều cho và nhận, nó giúp bé thích trò chuyện và cởi mở hơn.
2. Trò chuyện với bé
Trò chuyện với bé sẽ giúp bạn xây dựng vốn từ vựng hàng ngày của mình, lại tăng cường sự gần gũi với con và giúp bé học từ ngữ chuẩn hơn.
3. Trả lời tiếng khóc của bé
Khóc thật ra là một cách giao tiếp của bé khi đòi hỏi những nhu cầu của cơ thể. Bạn trả lời lại là cách bạn đáp ứng những nhu cầu ấy, chẳng hạn bạn sẽ nhận biết được lúc nào bé bệnh, đói, mệt mỏi…Đó là một cách chia sẻ thông tin kỳ lạ nhưng lý thú.
4. Nói chuyện phiếm với bé
“Bé “măm” xong rồi, bây giờ mẹ sẽ thay tã cho bé nhé, thay tã xong bé sẽ chơi với bà để mẹ nấu cơm nhé”…Khi bạn nói với bé những điều này, bé sẽ tự tạo được khả năng liên kết sự việc và biết kết nối, xâu chuỗi mọi thứ thật logic, điều này giúp bé phản ứng nhanh trong khả năng sử dụng ngôn ngữ.
5. Hát những bài hát ngắn
Nếu không thể hát được những bản nhạc dài và khó, bạn có thể hát những bản ngắn. Quá trình lặp đi lặp lại các từ trong bài hát sẽ là bước đầu tiên để ghi nhớ những lời mà bé yêu thích để từ từ bé sẽ bắt chước theo.
6. Đọc cho bé nghe
Trẻ em quan tâm đến sách sớm hơn bạn nghĩ. Hãy thử đọc cuốn sách ưa thích của bạn hoặc những cuốn truyện tranh mà bé thích ngắm nhìn thật thường xuyên, bạn sẽ thấy bé ngồi yên chăm chú. Cũng giống như khái niệm đằng sau những bài hát yêu thích của bé, sự lặp lại những gì bạn đọc từ sách sẽ giúp bé xây dựng vốn từ vựng cơ bản.
7. Chơi đùa cùng bé
Khuôn mặt của bé trở nên ủ dột, rồi bé mếu và khóc thì có lẽ là vì bé mệt mỏi. Bạn giúp bé thư giãn bằng những đồ chơi bé thích, cùng chơi với bé và tập cho bé đánh vần từng món một.
8. Học từ bạn bè
Nếu bé đã đến tuổi đi mẫu giáo mà vẫn chưa nói sõi thì bạn nên cho bé tiếp cận nhiều với môi trường học tập, dạy thêm cho bé nói những từ đơn giản. Có bạn bè, trò chuyện nhiều, bé sẽ tự tin để nói tốt hơn.
9. Khuyến khích sự cố gắng của bé
Khi bé bắt đầu nói huyên thuyên cả ngày và phát âm sai, bạn đừng cười bé, hãy để bé được tự tin nói những gì bé thích. Nhiều cha mẹ thấy con nói lung tung thường bật cười, điều đó sẽ cản trở bé học nói.
10. Kiên nhẫn
Cha mẹ không thể nói thay con nhưng có thể khuyến khích con nói lời đầu tiên. Tuy nhiên hãy nhớ rằng mỗi bé con có sự phát triển khác nhau và vì thế sẽ có bé nói sớm nhưng cũng có bé nói chậm hơn một chút. Đừng quá lo lắng và hãy kiên nhẫn đợi chờ, rồi bạn sẽ được nghe bé thốt ra những lời dễ thương mà thôi. Hẳn bạn cũng sẽ bớt lo lắng khi biết rằng mãi đến năm bốn tuổi, nhà bác học Einstein mới bắt đầu biết nói.
(Sưu tầm)