10 câu hỏi về mạng máy tính (P3)

447

6. Vì sao cần tìm hiểu mô hình 7 lớp?

Có rất nhiều tổ chức, công ty trên thế giới cùng tham gia thiết kế và sản xuất phần cứng, phần mềm ứng dụng, và cả các giao thức cho mạng máy tính. Vì thế, để tất cả sản phẩm làm ra có thể hoạt động được với nhau, đòi hỏi phải có một quy chuẩn chung. Tổ chức ISO đã đưa ra mô hình Open Systems Interconnection (OSI) để giải quyết vấn đề này, phân hệ thống mạng ra làm 7 lớp chức năng, vì thế nó còn được gọi là mô hình 7 lớp. Thứ tự 7 lớp từ trên xuống là: lớp ứng dụng (Application), lớp trình diễn (Presentation), lớp phiên (Session), lớp vận chuyển (Transport), lớp mạng (Network), lớp liên kết dữ liệu (Data link) và lớp vật lý (Physical).

Trong quá trình gửi dữ liệu đi, dữ liệu sẽ được chuyển dần từ lớp trên cùng xuống lớp dưới cùng. Ngược lại, khi nhận dữ liệu, thông tin sẽ đi ngược từ lớp dưới cùng trở lên lớp trên cùng.

Ưu điểm của mô hình OSI này, là mỗi sản phẩm phần cứng hay phần mềm mạng có thể được thiết kế và xây dựng dựa trên một hoặc một vài lớp, mà không cần phải thiết kế toàn bộ từ đầu đến cuối. Ví dụ bạn có thể tạo ra một trình duyệt web hay máy chủ web được xây dựng trên lớp 7 (lớp ứng dụng), mà không cần biết các lớp dưới hoạt động như thế nào. Tương tự, một thiết bị Router luôn được thiết kế để hoạt động ở lớp 3 (lớp mạng), nên Router của hãng này có thể hoạt động hay trao đổi dữ liệu với các Router của một hãng khác, mà không cần quan tâm đến việc thiết kế các lớp 1 (vật lý) hay lớp 2 (kết nối dữ liệu)

7. Tại sao phải có giao thức mạng?

Giao thức mạng, giao thức truyền thông, hay thường được gọi tắt là giao thức (protocol), là tập hợp những quy cách mà các thành phần trong mạng máy tính phải tuân thủ để có thể giao tiếp được với nhau. Các quy chuẩn này bao gồm việc biểu diễn dữ liệu như thế nào, phát nhận tín hiệu ra sao, cũng như cách phát hiện và sửa lỗi khi cần thiết. Nghĩa là, nếu hai thiết bị, hay hai ứng dụng mạng sử dụng cùng một giao thức, chúng có thể giao tiếp với nhau, và ngược lại, nếu chúng sử dụng hai giao thức khác nhau, việc không thể hiểu nhau là điều không tránh khỏi. Những giao thức mạng thường được nói đến và sử dụng nhiều nhất là:

IP (Internet Protocol): Là giao thức mô tả cách đánh địa chỉ các vị trí trong mạng, cách truyền các gói dữ liệu qua Internet, cách định hướng và đảm bảo các gói tin dữ liệu đến đúng địa chỉ cần đến.

HTTP (HyperText Transfer Protocol): Là giao thức trao đổi thông tin dạng siêu văn bản, thường được biết đến với hình thức là các trang web và trình duyệt web.

FTP (File Transfer Protocol): Là giao thức chuyên dùng cho việc chuyển và nhận các tập tin qua Internet.

SMTP (Simple Mail Transfer Protocol): Giao thức dùng để gửi các thư điện tử.

POP3 (Post Office Protocol phiên bản 3): Giao thức dùng để nhận các thư điện tử.

(Còn tiếp)