Olympus E-M10 II
Chiếc máy này có dáng dấp bên ngoài như máy ảnh cổ nhưng được cải tiến, cụ thể và nhờ hệ thống nút kim loại và lớp da bọc trên tay nắm mà người dùng có thể thao tác thoải mái hơn.
Máy được trang bị cảm biến Live Mos, độ phân giải 16,1MP, chip xử lý hình ảnh TruePic VII. Màn hình cảm ứng phía sau có kích thước 3 inch, độ phân giải đạt 1,04 triệu điểm ảnh và có thể lật.
E-M10 II hỗ trợ ISO từ 100 đến 25.600, màn trập có tốc độ tối đa 1/16.000 giây và tối thiểu là 60 giây, tức là cao hơn khoảng gấp đôi so với nhiều máy ảnh thông thường. Sản phẩm được tích hợp sẵn wifi để kết nối với smartphone thông qua ứng dụng.
Một trong những tính năng mới ở chiếc máy ảnh này là hệ thống ổn định hình ảnh theo năm chiều, giúp máy chống rung tốt hơn. Bên cạnh đó, màn hình ngắm điện tử của E-M10 II đạt mức 2,36 triệu điểm ảnh và cho góc nhìn bao quát 100%.
Ngoài ra, dùng máy ảnh này có thể chụp ảnh nhanh với tốc độ 8,5 khung hình/giây hoặc quay phim với độ phân giải 1.080p, 14 bộ lọc màu, quay time-lapse độ phân giải 4K.
Được biết, E-M10 II sẽ được bán ra với giá khoảng 14,6 triệu đồng (thân máy màu trắng hoặc đen) hay 18 triệu đồng, gồm thân máy kèm ống kính 14 – 42mm, f/3,5-5,6.
Fujifilm X-T10
Thoạt nhìn, X-T10 khá giống những máy ảnh dùng phim cỡ 35mm đời cũ với hai màu bạc và đen. Hai mặt trên dưới của thân máy được đúc bằng hợp kim magie nên thân máy nhẹ, chắc chắn. Màn hình LCD 3 inch của máy có thể xoay lật, giúp việc chụp ảnh ở các tư thế khó trở nên dễ dàng.
Máy cũng được trang bị ống kính ngắm điện tử với thời gian thực 0,39 inch, độ phóng đại 0,62x, còn độ trễ chỉ 0,005 giây.
X-T10 sở hữu cảm biến ảnh APS-C CMOS X-Trans II và bộ xử lý ảnh EXR II, ISO hỗ trợ từ 100 đến 25.600 hoặc để chế độ tự động. Máy có chế độ lấy nét đơn 49 điểm hoặc lấy nét theo vùng, lấy nét theo dõi rộng, giúp người dùng quan sát tốt các chuyển động của vật thể trên khu vực rộng lớn, bao trùm hơn 77 điểm, vì vậy khả năng nắm bắt hình ảnh vật thể đang chuyển động cũng là đặc điểm nổi trội của chiếc máy này.
Dùng máy quay được phim với độ phân giải Full HD ở các tốc độ 60 hình/giây, 50 hình/giây hoặc các mức thấp hơn như 30 hoặc 25 hay 24 hình/giây. Có thể mô phỏng máy phim với chế độ Chrome Classic.
X-T10 cũng có kết nối wifi, cho phép người dùng đánh dấu vị trí địa lý (geotagging) vào ảnh, truyền tải ảnh không dây, in ấn không dây Instax và ra lệnh chụp ảnh từ xa qua ứng dụng smartphone.
Giá bán 16,9 triệu đồng được áp dụng cho thân máy. Phiên bản đi kèm ống kính 16 – 50mm, f/3,5-5,6 có giá 19,9 triệu đồng. Còn giá 23,9 triệu đồng là dành cho phiên bản có ống kính 18 – 55mm f/2, 8 – 4,0mm.
Panasonic Lumix DMC-GX8
Cũng mang phong cách hoài cổ, Lumix DMC-GX8 có lớp vỏ nhựa chống nước và bụi, còn khung máy làm bằng hợp kim magie. Những cải tiến có thể dễ dàng nhận biết là phần tay cầm sâu hơn, nút chụp hình nhanh được tách rời, màn hình lật xoay được nhiều góc, thích hợp với nhu cầu chụp ảnh sáng tạo.
Bên cạnh đó, máy còn được trang bị ống ngắm tích hợp với một số núm xoay điều khiển ở bên trên, trong đó có núm điều chỉnh bù phơi sáng.
Hiện tại, Lumix DMC-GX8 được xem là chiếc máy ảnh Micro Four Thirds đầu tiên trang bị cảm biến 20MP với khả năng chống rung vượt trội (kết hợp cả chống rung trên cảm biến và chống rung trên ống kính), giúp tối ưu hóa chất lượng ảnh chụp ngay cả khi chụp ở tốc độ chậm trong môi trường thiếu sáng.
Máy còn sở hữu bộ xử lý hình ảnh Venus Engine thế hệ mới và công nghệ DFP (Depth From Focus) nên không chỉ có khả năng lấy nét tự động nhanh hơn (tối đa 0,07 giây), mà còn xử lý hình ảnh tốc độ hơn. Khả năng chụp liên tục của máy là 8 khung hình/giây, có thể ghi hình 4K.
Sự tích hợp wifi và NFC cho phép người dùng chia sẻ từ máy hình ảnh mà không cần dây hoặc điều khiển máy từ xa thông qua smartphone hay máy tính bảng. Lumix DMC-GX8 có hai màu vỏ là đen hoặc đen bạc, được bán với giá khoảng 27,5 triệu đồng.
Theo Doanh nhân Sài Gòn