Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới việc thực thi pháp luật bình đẳng giới, từ đó, đề xuất các giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng của nó đến tiến trình bảo đảm bình đẳng giới ở Việt Nam.
Abstract: In this article, the author analyzes and assesses the impact of the Covid-19 pandemic on the implementation of the law on gender equality, thereby, proposing solutions to minimize its effects on the process of ensuring gender equality in Vietnam.
1. Quy định pháp luật về bình đẳng giới
Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định rõ các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo đảm bình đẳng giới. Có thể nói, Luật Bình đẳng giới năm 2006 được ban hành đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc không ngừng nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ các quyền con người, đặc biệt là quyền con người của nhóm dễ bị tổn thương. Luật Bình đẳng giới năm 2006 tiếp tục nội luật hóa tinh thần của Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là thành viên.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 được ban hành góp phần hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Lĩnh vực kinh tế và lao động là hai lĩnh vực quan trọng, bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động sẽ góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ.
Với ý nghĩa đó, Luật Bình đẳng giới năm 2006 không chỉ quy định nam, nữ được bình đẳng về quyền tự do kinh doanh, quyền có việc làm và được trả lương bình đẳng mà còn quy định rõ biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tạo cơ hội để phụ nữ tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tham gia vào thị trường lao động nhằm thu hẹp khoảng cách giới. Hơn 10 năm thi hành pháp luật về bình đẳng giới, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới đối với lĩnh vực kinh tế, lao động.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng đều qua các năm, lao động nữ tham gia vào thị trường lao động chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù vậy, đối chiếu với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, chỉ tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động vẫn chưa đạt được. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, tiếp tục đặt cả thế giới và Việt Nam trước những thách thức không nhỏ trong nỗ lực thực hiện vấn đề bình đẳng giới đối với lĩnh vực kinh tế và lao động. Điều này cho thấy, cần phải có sự nỗ lực hơn nữa để bảo đảm bình đẳng giới thực chất, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
2. Tác động từ đại dịch Covid-19 tới việc bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Lựa chọn giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả với phương châm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu những ảnh hưởng của dịch bệnh tới đời sống xã hội nhưng vẫn không thể phủ nhận những hậu quả mà dịch bệnh gây ra.
Hơn ai hết, phụ nữ là nhóm tổn thương chịu sự tác động sâu sắc của những hậu quả này. Đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới, bởi lẽ, nếu những vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng sẽ làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội và gia đình.
2.1. Tác động từ đại dịch Covid-19 tới việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Tại Việt Nam, với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành, kể từ khi Luật Bình đẳng giới năm 2006 được ban hành, phụ nữ được tạo cơ hội, điều kiện tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ.
Số lượng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với số lượng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Điều này tiếp tục sẽ là một trở ngại lớn hơn trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang tác động trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chịu sự tác động rất lớn. Các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ có kế hoạch kinh doanh kém lạc quan hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ, đặc biệt là trong hai năm dịch bệnh trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa của nhóm doanh nghiệp do nữ giới làm chủ trong năm 2020 cao hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Thêm vào đó, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ giới làm chủ có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh luôn thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.
Tính riêng trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới do phụ nữ làm chủ chiếm 29,56% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên toàn quốc, nhưng số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị giải thể lên tới 33,33%[1]. Ngoài ra, tại một số địa phương, khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát, tín hiệu sản xuất, kinh doanh dần được hồi phục thì các doanh nghiệp lại tiếp tục phải đối mặt với một loạt khó khăn mới. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng chung nỗi lo này để tồn tại, đó là áp lực thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn để phát triển sản xuất sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Tất cả những vấn đề này nếu không được giải quyết triệt để thì số lượng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể sẽ không trụ vững và tiếp tục giảm sâu hơn.
Vì vậy, cần phải có những chính sách phù hợp giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể phục hồi sau đại dịch, có như vậy mới thu hẹp được khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm các mục tiêu bình đẳng giới.
2.2. Tác động từ đại dịch Covid-19 tới việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động là việc nam, nữ được đối xử như nhau khi tham gia vào thị trường lao động mà không bị phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, xu hướng tính dục hay bản dạng giới. Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động góp phần nâng cao vị thế của cá nhân trong gia đình và xã hội, bảo đảm cho cả hai giới cùng đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Pháp luật hiện hành đã ghi nhận quyền được có việc làm, được trả lương bình đẳng cho mỗi cá nhân không phân biệt về giới tính, xu hướng tính dục hay bản dạng giới.
Tuy nhiên, định kiến giới vẫn còn tồn tại cho nên trên thực tế, việc bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm và trả lương bình đẳng vẫn chưa hiệu quả. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tiếp tục gia tăng những xu hướng bất lợi cho lao động nữ: Lao động nữ đối mặt với nguy cơ khó tiếp cận các cơ hội việc làm hơn lao động nam; tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp nhiều hơn so với lao động nam; phụ nữ phải đối diện với nguy cơ làm thêm giờ cao hơn so với lao động nam.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lao động nữ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, lữ hành chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó, đối với các lĩnh vực này, việc tái khởi động hoạt động kinh doanh trong tình hình hiện nay vẫn chưa khả quan. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy: (i) Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động giảm nghiêm trọng vào năm 2020, chênh lệch giới tính về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trung bình kể từ khi Covid-19 tấn công Việt Nam đã nới rộng lên 11,2 điểm phần trăm nghiêng về nam giới, tăng từ mức trung bình 9,5 điểm phần trăm trong suốt thập kỷ qua; (ii) Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp lớn hơn so với lao động nam; (iii) Phụ nữ phải đối mặt với tình trạng làm thêm giờ gia tăng gánh nặng kép khi hoạt động kinh tế được hồi phục[2]. Vấn đề này tiếp tục diễn biến xấu hơn khi Việt Nam đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Một loạt các doanh nghiệp bị đóng cửa tại các tỉnh phía Nam, lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành gần như đóng băng đã kéo theo hàng triệu phụ nữ rơi vào hoàn cảnh khốn khó do mất việc làm, không có thu nhập, cuộc sống bấp bênh.
Như vậy, dịch bệnh Covid-19 đã làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng về cơ hội việc làm của phụ nữ, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động – một lĩnh vực vốn đã có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, cơ hội và sự thụ hưởng, đòi hỏi cần phải có các biện pháp thu hẹp khoảng cách giới, góp phần bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới.
Những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực kinh tế, lao động cũng kéo theo những tác động sâu sắc tới bình đẳng giới trong gia đình. Là một lĩnh vực chịu sự tác động sâu sắc bởi định kiến giới, bình đẳng giới trong gia đình vốn đã chưa có nhiều chuyển biến tích cực, trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng giới trong gia đình, mà người phải chịu thiệt thòi nhất lại là phụ nữ.
Vấn đề này thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Một là, giảm sút thu nhập, gia tăng gánh nặng kép đối với phụ nữ
Báo cáo của UNDP “Đánh giá nhanh về tác động kinh tế – xã hội của Covid-19 đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam” dựa trên nghiên đối với 498 hộ gia đình đã chỉ rõ, tác động kinh tế là lớn, với 88% hộ gia đình bị ảnh hưởng việc làm vào tháng 7/2021 và 63,5% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với trước thời kỳ đại dịch (tháng 12/2019)[3]. Việc giảm sút thu nhập cũng làm gia tăng áp lực đối với phụ nữ trong việc bảo đảm đáp ứng các nhu cầu chung của gia đình. Vì vậy, phụ nữ có nhu cầu làm thêm để bù đắp cho khoản thu nhập bị giảm sút do ảnh hưởng từ dịch bệnh, trong khi đó, phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Vì vậy, không chỉ thu nhập bị giảm sút, phụ nữ còn bị áp lực từ việc gia tăng gánh nặng kép.
Hai là, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của cá nhân, đặc biệt đối với phụ nữ
Trong thời gian qua, để ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng, chúng ta đã phải thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Giãn cách xã hội là việc làm cần thiết và cấp bách nhưng giãn cách xã hội cũng đã để lại những hệ lụy cho sức khỏe của cá nhân. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giãn cách xã hội kéo dài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần của cá nhân vì nhu cầu giao tiếp là nhu cầu rất quan trọng. Nỗi lo về dịch bệnh, sự giảm sút thu nhập do mất việc làm, sức ép của các khoản chi tiêu và ở nhà vì giãn cách đã tác động lớn đến tinh thần của cá nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ. Vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ, giúp phụ nữ có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Ba là, bạo lực gia đình gia tăng, ảnh hưởng lớn đến trẻ em gái và phụ nữ
Có thể nhận định rằng, những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng.
Như vậy, dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu sắc tới lĩnh vực kinh tế, lao động. Những hậu quả mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho lĩnh vực kinh tế, lao động lại có tác động đan xen, làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới trong gia đình cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Phân tích dưới góc độ giới cho thấy, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Những tác động của Covid-19 có thể sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng giới, làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm các quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Vấn đề này không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà cũng là vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan ngại. Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng gia tăng ở hầu hết các quốc gia. So với trước đó, Việt Nam tiếp tục tụt hạng trong bảng xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giới, điều này sẽ lại khó khăn hơn trong tiến trình thu hẹp khoảng cách giới khi chúng ta phải đối mặt với một loạt các tác động khách quan từ đại dịch. Vì vậy, để pháp luật bình đẳng giới có tính thực thi, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và phải hành động không thể chậm trễ để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 có tác động rất lớn đến việc bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động. Đại dịch sẽ làm chậm hơn tiến trình đi đến mục tiêu bình đẳng giới. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải có những giải pháp thỏa đáng, góp phần bảo đảm các quyền con người của phụ nữ – nhóm tổn thương bị ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch. Theo quan điểm của tác giả, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần phải có những số liệu phân tích giới, thống kê chính xác số lượng lao động nữ mất việc làm, thu nhập giảm sút do dịch bệnh; số lượng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; số hộ gia đình mà chủ hộ là phụ nữ có ảnh hưởng bởi đại dịch do mất việc làm, có người thân tử vong do dịch bệnh Covid-19. Thống kê chính xác số liệu này để có những phương án hỗ trợ phù hợp bảo đảm việc hỗ trợ phải đúng người, không bỏ sót, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ, gia đình có chủ hộ là phụ nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ từng bước khắc phục khó khăn từ đại dịch để bắt đầu với trạng thái bình thường mới.
Thứ hai, phải lồng ghép giới trong xây dựng chính sách để những chính sách có nhạy cảm giới. Cho đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP). Ngày 08/10/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP (Nghị quyết số 126/NQ-CP). Nghị quyết số 126/NQ-CP đã quy định mở rộng thêm diện được hưởng hỗ trợ. Ngoài ra, Nghị quyết số 126/NQ-CP cũng nới lỏng thêm điều kiện người sử dụng lao động được vay vốn tại tổ chức tín dụng. Những quy định này đều tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm cơ hội để phục hồi sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động sau đại dịch.
Tuy nhiên, những nhóm chính sách này chưa có những quy định đặc thù nhằm tạo điều kiện cho nhóm phụ nữ, ngoại trừ chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em quy định tại điểm 7 Mục II.
Do vậy, tác giả cho rằng, cần bổ sung những chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện để phụ nữ có thêm cơ hội việc làm, tham gia sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần khắc phục những hậu quả từ đại dịch, khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Đây là việc quan trọng để từng bước thực thi hiệu quả pháp luật về bình đẳng giới, bảo đảm mục tiêu về bình đẳng giới.
Điểm mấu chốt cần phải tháo gỡ và giải quyết lúc này chính là vấn đề việc làm cho lao động nữ và khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Nếu chính sách chỉ giải quyết các tồn tại chung có nghĩa chính sách đó chưa có đáp ứng giới vì vấn đề giới chưa được giải quyết triệt để, do đó, theo quan điểm của tác giả, các nhóm chính sách hỗ trợ cần phải chú trọng đến việc tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ, cụ thể đặc biệt quan tâm các khía cạnh sau:
– Cần có chính sách đặc thù trợ giúp đối với lao động nữ mất việc làm, đặc biệt quan tâm đến phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ có người thân tử vong do đại dịch Covid-19.
– Xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện để lao động nữ được đào tạo nghề, được tạo cơ hội để trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát.
– Xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khởi nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, cần sớm tiến hành rà soát để sửa đổi Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tạo khung pháp lý hoàn thiện, góp phần phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, tạo hành lang pháp lý nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
TS. Bùi Thị Mừng
Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội
[1]. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 2021, Báo cáo môi trường kinh doanh tại Việt Nam – góc nhìn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
[2]. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 2021, Báo cáo tóm tắt nghiên cứu “Giới và thị trường lao động”.
[3]. Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) – Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Báo cáo “Đánh giá nhanh về tác động kinh tế – xã hội của Covid-19 đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam”.