Mỗi lần nhìn tới những cuốn sách đã mua về, những cuốn sách khiến bạn cảm thấy rất thích đọc, nhưng rồi bạn vẫn mãi không thu xếp được thời gian đọc cho xong, bạn lại cảm thấy có chút gì đó như bứt rứt, ăn năn…
Bi kịch của những người mua sách về chỉ để… ngắm
Nếu trải qua những nét tâm lý này, bạn có thể sẽ được an ủi phần nào bởi thực tế, trong thời đại công nghệ và nhịp sống công nghiệp như hiện nay, có rất nhiều người rơi vào tình huống kể trên.
Thực tế, trong tiếng Nhật còn có hẳn một từ dành để chỉ tâm trạng bứt rứt, ăn năn của những người đã mua sách về nhưng… không đọc. Vấn đề của nhiều người thích đọc sách ở thời buổi hôm nay, đó là họ có thể dễ dàng mua về rất nhiều sách, nhưng lại có quá ít thời gian để đọc.
Trong tiếng Nhật, từ “tsundoku” dành để chỉ những cuốn sách được mua về xếp trên giá nhưng không bao giờ được đọc đến. Giáo sư Sahoko Ichikawa giảng dạy tiếng Nhật ở trường Đại học Cornell, New York, Mỹ, cho biết “tsunde” có nghĩa là “chất đống” và “oku” có nghĩa là “để dành”.
Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin với ngập tràn những luồng tin tức được đưa tới mỗi cá nhân thông qua nhiều phương thức đa dạng, thường những người có sở thích cổ điển – đọc sách, lại thường gặp phải một khó khăn chung phổ biến…
Đó là mua sách về mà gần như chẳng bao giờ có thể sắp xếp thời gian để đọc cho hoàn tất một cách liền mạch hoặc thậm chí, tệ hơn nữa, là mãi chẳng thể đọc hết một cuốn sách.
Goodreads – một website tiếng Anh nổi tiếng chuyên dành cho những người yêu thích việc đọc sách, một trang sinh hoạt cộng đồng dành cho các “mọt sách” chính hiệu – thậm chí còn có một nhóm chuyên dành cho những người “mua sách về nhưng không đọc”. Nhóm này có tới gần 3.200 thành viên, được lập nên để các “mọt sách” vào “thú tội”…
“Book Buying Addicts Anonymous” (Những người nghiện mua sách) là nơi để những người có “hội chứng” này vào chia sẻ những hậu quả từ tài chính cho tới tinh thần, đến từ việc làm rất nhỏ, tưởng như vô hại, đó là mua sách về nhưng không đọc.
Thực tế, đối với những người yêu đọc sách, việc nhìn thấy những cuốn sách vẫn còn mới nguyên trên giá, chưa hề được đọc đến, hoặc mãi vẫn ở tình trạng đang đọc dở… tượng trưng cho sự phí phạm phù phiếm. Mỗi cuốn sách như vậy xuất hiện trên giá lại tượng nhưng cho một sự bất lực.
Những người ham đọc sách trong bối cảnh hiện tại rất dễ trở thành những người thuộc nhóm nghiện mua sách một cách… phù phiếm. Trong nhóm “Book Buying Addicts Anonymous”, có rất nhiều người vào chia sẻ chân thật về cảm giác “tội lỗi” trong nội tâm của họ.
Thậm chí, nhiều khi họ phải giấu giếm việc mua thêm sách mới bởi không muốn người thân biết về sự “thất bại” âm thầm của mình.
Một thành viên trong nhóm “Book Buying Addicts Anonymous” chia sẻ: “Tôi rất hiểu những bạn nào nói rằng các bạn cảm thấy tội lỗi vì mua sách về mà mãi chẳng có thời gian đọc. Tôi sống với gia đình và nhiều khi phải giấu giếm việc mua thêm sách mới. Tôi phải giấu giếm như vậy bởi vì không muốn bị người nhà trêu chọc, chế giễu việc mình thích mua sách, chất đầy lên giá, nhưng chỉ để… ngắm vì chẳng có thời gian đọc”.
Việc đọc những cuốn sách in có thể gợi lên niềm vui dễ chịu và cảm nhận về sự hoài cổ, chậm rãi, vì vậy, nhiều người rất thích thú với việc đọc sách, nhưng trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, khi một người có thể bị chi phối bởi quá nhiều luồng thông tin, bị phân tán sự tập trung bởi quá nhiều yếu tố đa dạng, việc có đủ thời gian và tâm thế ngồi xuống đọc một cuốn sách không phải việc đơn giản, dễ dàng đối với tất cả mọi người.
Việc chúng ta không có đủ thời gian để đọc những cuốn sách đã mua thực tế lại có thể tạo nên một hiệu ứng ngược, khiến ta càng thích thú với việc mua thêm sách về. Thói quen sưu tầm sách cũng là một sở thích gây nghiện, một nhu cầu nuông chiều bản thân tương đối giản dị và dễ dàng, nhưng cũng không kém phần mê hoặc…
Nếu bạn cũng mắc phải “hội chứng” này, giờ đây, ít nhất, bạn đã có thể tự an ủi mình rằng hóa ra, mình không phải là người duy nhất cảm thấy tội lỗi với thói quen mua sách về chỉ để… ngắm.
(Sưu tầm)