Cách làm những món ăn hấp dẫn cho ngày cuối tuần

282

Cuối tuần hãy dành chọn yêu thương cho gia đình của bạn bằng những món ăn hấp dẫn, ngon bổ dưỡng. Chính điều đó sẽ làm cho gia đình bạn có những bữa cơm ấm cúng hơn sau một tuần làm việc mệt mỏi. Trên đây là những món ăn hấp dẫn cho ngày cuối tuần bạn cùng tham khảo.

Cách làm những món ăn hấp dẫn cho ngày cuối tuần

1, Sườn sốt chua ngọt

Nguyên liệu:

– Sườn thăn: 500gr

– Nước tương, dấm, dầu ăn, đường, muối…

– Hành khô, tỏi khô…

Cách làm:

– Sườn rửa thật sạch, sau đó chần với nước sôi trong khoảng 3-5 phút. Hành tỏi khô bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Ướp sườn với hành tỏi khô, 1 muỗng café nước tương, chút muối trong khoảng 20 phút.

– Sau khi đã ướp đủ thời gian, cho sườn vào nồi, đổ nước ngập sườn và ninh sườn cho đến khi nước trong nồi còn 1/3 thì bỏ sườn ra rán, giữ lại phần nước còn lại để làm. Vì sườn đã chín nên chỉ cần rán xém vàng các cạnh là được.

– Pha sốt: 1 muỗng café dấm, 1 muỗng café đường, nêm muối vừa miệng ăn, cho phần nước còn lại sau khi ninh sườn vào, ngoáy đều để hỗn hợp hòa tan hết, cho vào trong chảo đảo đều đến khi miếng sườn vàng và nước sốt sánh lại thì tắt bếp. Bỏ sườn ra đĩa và trang trí, ăn cùng cơm nóng rất ngon.

2, Bề Bề chiên giòn

Nguyên liệu:

– Bề bề: 300gr

– Bột chiên giòn hải sản: ½ túi (loại 150gr)

– Gừng, tương ớt.

Thực hiện:

Bề bề cho vào rổ, xóc đều dưới vòi nước chảy để rửa sạch. Cho bề bề vào nồi cùng 1 mẩu gừng nhỏ đập dập, không cần đổ nước. Bắc nồi lên bếp, luộc chín bề bề. Dùng kéo cắt hai bên mép từ phần mép giáp đầu con bề bề tới phần giáp đuôi con bề bề.

Bóc bỏ phần vỏ cứng, giữ lại phần đầu, đuôi và cả phần vỏ bụng (vỏ mềm) của bề bề. Hòa bột chiên giòn với nước thành hỗn hợp sền sệt.

Gắp từng con bề bề nhúng vào âu bột đã pha sẵn. Nhúng cho bột bao đều vào con bề bề. Thả từng con bề bề đã nhúng bột vào chảo dầu nóng. Rán cho vàng đều 2 mặt là được (khi rán lên để lửa to để bề bề được giòn). Gắp bề bề ra đĩa. Khi ăn bề bề chiên giòn thì chấm cùng tương ớt (bề bề nên ăn nóng ngay khi rán xong, phần vỏ đầu và đuôi của bề bề sẽ rất giòn nên có thể ăn cả vỏ).

3, Canh mướp nấu tôm

Nguyên liệu:

– Mướp hương: 02 quả;

tôm: 200 g; nấm đông cô: 10 tai; hành tím: 1 củ; hành hoa: 1 nhánh; Nước dùng gà (xương) nếu thích;

– gia vị: dầu ăn, bột nêm, mì chính.

Cách làm:

– Mướp gọt vỏ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, hành hoa cắt gốc rửa sạch cắt khúc.

– Tôm bóc bỏ lớp vỏ ngoài và phần đầu. Phi thơm hành tím với chút xíu dầu ăn cho tôm vào xào. Nêm 1 thìa súp cho tôm ngấm gia vị.

– Cho phần nước dùng gà vào đun sôi rồi thả nấm đông cô đã ngâm rửa sạch vào đun tiếp khoảng 2 phút. Nêm gia vị vừa miệng.

– Tiếp đến cho mướp vào đun sôi khoảng 2 phút hay khi thấy mướp vừa chín tới là được. Cho ít hành hoa cùng mì chính và tắt bếp rồi cho canh mướp nấu tôm ra bát.

4, Nộm gà xé phay

Nguyên liệu:

– Đùi gà ta: 400gr

– Hành tây: 1 củ nhỏ

– Cà rốt: 1 củ nhỏ

Chanh: 2 quả; hành khô, gừng; rau răm, lá chanh; lạc rang giã dập; bột canh, đường, hạt tiêu

Thực hiện:

– Đùi gà rửa sạch, luộc chín cùng một củ hành khô và mẩu gừng đập dập.

– Hành tây thái sợi nhỏ, ngâm vào bát nước đá. Sau đó vớt ra, vảy ráo rồi trộn hành tây với 1 thìa cà phê nước cốt chanh và 3 – 4 thìa cà phê đường.

– Cà rốt nạo bỏ vỏ rồi nạo sợi nhỏ. Trộn đều vào cà rốt một ít nước cốt chanh và đường giống như trộn với hành tây, để qua một bên cho ngấm.

– Lá chanh và rau răm rửa sạch, để ráo nước, thái chỉ.

– Thịt gà luộc chín, dùng tay xé nhỏ. Phần da gà thì dùng dao thái sợi. Ướp thịt gà với 1 thìa cà phê nước cốt chanh, 2 thìa đường, 1 thìa bột canh. Bóp đều để thịt gà ngấm gia vị.

– Khi gần ăn thì đem trộn đều tất cả: thịt gà, cà rốt, hành tây với nhau. Nêm nếm thêm đường, bột canh, nước cốt chanh sao cho đủ vị chua ngọt theo khẩu vị.

Trước khi ăn thì trộn thêm rau răm, lá chanh thái chỉ và một ít hạt tiêu vào nộm thịt gà. Cho ra đĩa rồi rắc lạc rang giã dập lên trên cùng.

5, Chè khoai môn

Nguyên liệu:

– Khoai môn: 1 củ; cốm: 1 lạng; vài lá dứa; nước cốt dừa; đường

Thực hiện:

– Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành miếng vừa ăn.

– Nấu hoặc hấp khoai môn vừa chín tới, không để khoai chín quá sẽ nát.

– Đun sôi nước, thả cốm và lá dứa vào nồi, thi thoảng đảo đều để tránh cốm bén nồi.

– Khi cốm nở hết và chín, nêm nếm đường vừa miệng ăn, cho khoai môn vào nồi đun thêm khoảng 10 phút để khoai ngấm đường.

Sử dụng một nồi khác, cho cốt dừa và một chút bột năng để cốt dừa sánh, đun sôi và tắt bếp. Múc chè ra bát, thêm cốt dừa, thêm đá và thưởng thức.

( Sưu tầm )