Cách ly xã hội hay giãn cách xã hội (social distancing) là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Các yêu cầu khi cách ly xã hội bao gồm:
1/ Chỉ đi ra ngoài để mua thực phẩm, kiểm tra sức khỏe hoặc đi làm chỉ khi công việc buộc chúng ta phải tới công sở;
2/ Khi đi ra ngoài, chúng ta cần giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người gần nhất;
3/ Rửa tay ngay khi về tới nhà và sau khi có tiếp xúc với các bề mặt;
4/ Không đi thăm hỏi, kể cả bạn bè và người thân trong gia đình.
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 14h30 ngày 31/3, trên thế giới đã có 786.940 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 37.843 trường hợp đã tử vong, 165.932 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.
Cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước, Chính phủ vẫn kiểm soát được tình hình
Chia sẻ với báo chí để lý giải rõ hơn các yêu cầu trong Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 vừa được Thủ tướng ban hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Người phát ngôn Chính phủ, khẳng định yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã làm.
Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các yêu cầu, chỉ đạo sẽ ở cấp cao hơn. Nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến xấu, lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì phải có sắc lệnh cao hơn và nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, phải chuẩn bị và “đi từng bước”.
“Đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm”, Bộ trưởng Dũng giải thích và cho biết Chính phủ luôn chuẩn bị sẵn mọi phương án. Nếu thấy tình hình bùng phát sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.
Ông Dũng cũng dẫn chứng ngay như Văn phòng Chính phủ hiện đã quyết định cho 50% cán bộ với khoảng hơn 300 người làm việc ở nhà. Nhưng người bắt buộc đến công sở cũng phải đảm bảo ngồi cách nhau 2 m, khi ăn mỗi người một bàn.
Lần này, Chính phủ giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị để giám sát và xử lý. Nếu thủ trưởng cơ quan để cho đơn vị mình có người bị lây nhiễm Covid-19 do thả lỏng quản lý, để cán bộ đi tụ tập thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm.
Bởi với những nhà máy, công xưởng có hàng chục nghìn lao động, chỉ cần lơi lỏng, không kiểm sát tốt, để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
Người phát ngôn Chính phủ cho biết cấp trên trực tiếp quản lý sẽ giám sát, xử lý người đứng đầu cấp dưới trong việc thực hiện các yêu cầu này.
Dù những ngày qua Chính phủ và các bộ ngành liên tiếp đưa ra khuyến cáo về việc không tập trung đông người, ở một số địa phương, như Nha Trang vẫn còn tình trạng hàng nghìn người tập trung tắm biển bất chấp diễn biến phức tạp của dịch. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này. Trước mắt, Chính phủ sẽ có nhắc nhở và chấn chỉnh ngay.
Lý giải vì sao chưa ban hành lệnh phong tỏa khi dịch đang diễn biến phức tạp, ông Dũng nhấn mạnh Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì thực chất có những tỉnh chưa có dịch, hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được.
Về quyết định tạm đóng cửa biên giới Lào, Campuchia, Bgười phát ngôn Chính phủ nhận định do tình hình bên đó phức tạp hơn, người Việt Nam ở các nước này đang có xu hướng về nước, đường hàng không đã cấm nên họ về bằng đường bộ qua biên giới. Vì vậy, cần có giải pháp mạnh mẽ ở đây để có thể kiểm soát tốt tình hình.
Với yêu cầu không tụ tập trên 2 người ngoài công sở, bệnh viện, trường học và các nơi công cộng, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đó là thông điệp mạnh mẽ hơn so với cách đây 4 ngày khi yêu cầu không tụ tập trên 10 người. Điều này truyền đi thông điệp rằng mong mọi người dân nên ở nhà trong giai đoạn cao điểm, hạn chế đi ra ngoài, tụ tập đông người vì tình hình bây giờ đã khác 4 ngày trước.
“Nếu bỏ qua cơ hội này là mất thời cơ vàng, lúc đó tình hình sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Chính phủ hiểu rằng với những yêu cầu nêu trên, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hoặc cảm thấy không thoải mái, nhưng mong tất cả chấp hành. Vì chống dịch phải có sự đồng thuận của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt có sự đồng thuận, chung sức của người dân”, Người phát ngôn Chính phủ chia sẻ.