Chi phí tổ chức hội nghị khách hàng giới thiệu sản phẩm mới có được phép phân bổ tối đa trong 3 năm không?

667

Hỏi: Kính gửi bộ tài chính, Theo điều 47 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định: Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo, quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ tối đa không quá 3 năm; Chi phí sửa chữa TSCĐ phát sinh một lần có giá trị lớn doanh nghiệp không thực hiện trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, phân bổ tối đa không quá 3 năm.

Vậy tôi xin hỏi về chi phí tổ chức hội nghị khách hàng giới thiệu sản phẩm mới. Công ty chúng tôi vào tháng 12/2021 đã tổ chức 1 buổi hội nghị khách hàng để giới thiệu, quảng cáo về sản phẩm mới của công ty, sang năm 2022 mới triển khai bán hàng.

Vậy chúng tôi có được phép phân bổ khoản chi phí này tối đa trong 3 năm không? Kính mong Bộ tài chính hướng dẫn chi tiết. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Tại khoản 1 Điều 47 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định Tài khoản 242- Chi phí trả trước dùng để phản ánh các chi phí thực tế đã phát sinh nhưng có liên quan đến kết quả hoạt động SXKD của nhiều kỳ kế toán và việc kết chuyển các khoản chi phí này vào chi phí SXKD của các kỳ kế toán sau. Một trong các khoản chi phí của doanh nghiệp được phản ánh vào Tài khoản 242 là chi phí quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động (giai trước hoạt động được áp dụng cho các doanh nghiệp mới thành lập có một số hoạt động trước khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính thức) của doanh nghiệp và thời gian được phân bổ tối đa không quá 3 năm.

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 91 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định:

Tài khoản 641- Chi phí bán hàng dùng để phản ánh các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ, bao gồm các chi phí chào hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo sản phẩm, hoa hồng bán hàng, chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá (trừ hoạt động xây lắp), chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển,…

Tài khoản 6418 – Chi phí bằng tiền khác phản ánh các chi phí bằng tiền khác phát sinh trong khâu bán hàng ngoài các chi phí đã kể trên như chi phí tiếp khách ở bộ phận bán hàng, chi phí giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, quảng cáo, chào hàng, chi phí hội nghị khách hàng…

Do câu hỏi của Quý độc giả không mô tả rõ là chi phí tổ chức hội nghị khách hàng để giới thiệu, quảng cáo sản phẩm của công ty có phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động hay không nên đề nghị Quý độc giả căn cứ vào các quy định nêu trên và thực tế của đơn vị để hạch toán kế toán phục vụ mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể sau:

Trường hợp 1: Nếu các chi phí quảng cáo để giới thiệu sản phẩm mới của doanh nghiệp phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động thì doanh nghiệp được phản ánh chi phí quảng cáo này vào Tài khoản 242- Chi phí trả trước và thời gian phân bổ tối đa không quá 3 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Việc tính và phân bổ chi phí trả trước vào chi phí SXKD từng kỳ kế toán phải căn cứ vào tính chất, mức độ từng loại chi phí để lựa chọn phương pháp và tiêu thức hợp lý.

Trường hợp 2: Nếu các chi phí quảng cáo để giới thiệu sản phẩm mới của doanh nghiệp không phải phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động thì doanh nghiệp phản ánh các chi phí này vào Tài khoản 641- Chi phí bán hàng (Tài khoản 6418) và cuối kỳ kết chuyển sang Tài khoản 911 để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 91 Thông tư số 200/2014/TT- BTC.

Văn bản liên quan: tại đây

(Nguồn Hỏi đáp Bộ Tài Chính)