Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) là gì
CPI là chỉ số về tham nhũng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Được công bố hàng năm bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số CPI xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ trên cơ sở cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.
Đây là một chỉ số tổng hợp – kết hợp kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến và đánh giá tham nhũng do các tổ chức có uy tín thu thập.
Tại sao CPI dựa trên cảm nhận
Tham nhũng nói chung bao gồm các hoạt động bất hợp pháp, được cố tình che giấu và chỉ được đưa ra ánh sáng khi có các vụ bê bối, hay qua công tác thanh tra, điều tra và truy tố, xét xử. Vì vậy, rất khó có thể đánh giá mức độ tuyệt đối của tham nhũng tại các quốc gia hay vùng lãnh thổ trên cơ sở các dữ liệu “cứng” mang tính thực chứng.
Những nỗ lực nhằm đánh giá tham nhũng như: so sánh các vụ hối lộ được báo cáo, số lượng các vụ truy tố hay nghiên cứu các vụ xét xử ở tòa án liên quan trực tiếp đến tham nhũng đều không thể coi là những chỉ số chính xác thể hiện mức độ tham nhũng. Những số liệu này, đúng hơn, chỉ thể hiện hiệu quả hoạt động của các công tố viên, của toà án hay giới truyền thông trong việc điều tra và phát hiện tham nhũng.
Vì vậy, xem xét cảm nhận về tham nhũng của những người ở vị trí có thể đưa ra đánh giá về tham nhũng trong khu vực công là phương pháp đáng tin cậy nhất để so sánh mức độ tham nhũng một cách tương đối giữa các quốc gia.
Kết quả Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2016 của Việt Nam
Ngày 25 tháng 1 năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công.
Năm nay, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Như vậy, lần đầu tiên sau 4 năm, điểm số của Việt Nam tăng nhẹ (tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 trong suốt các năm từ 2012 đến 2015). Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam – tin rằng đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Nhà nước và xã hội.
Trong năm 2016, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan đến PCTN: thông qua Luật Tiếp cận thông tin, hoàn thành công tác đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTN và triển khai sửa đổi toàn diện Luật PCTN, tiếp tục nội luật hóa quy định của Công ước Chống tham nhũng của Liên Hợp quốc (UNCAC) về hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi. TT cũng đánh giá cao việc Chính phủ tiếp tục kiện toàn công tác chuẩn bị để thực thi các hiệp định thương mại quốc tế đã được ký kết.
Mặc dù điểm số tăng nhẹ, nhưng xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch, điểm số 33/100 năm nay cho thấy Việt Nam chưa tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng. Kết quả này cũng tương đồng với nhận định của Chính phủ và ý kiến đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về báo cáo tổng kết công tác PCTN 2016 của Chính phủ.
Kết quả CPI hàng năm của Việt Nam
Các khuyến nghị quan trọng
Để tạo ra chuyển biến tích cực và thay đổi rõ rệt hơn nữa về cảm nhận tham nhũng trong khu vực công tại Việt Nam, TT khuyến nghị Nhà nước và xã hội thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Đối với Nhà nước:
– Tăng cường tính liêm chính trong hệ thống tư pháp để đảm bảo các nguyên tắc độc lập trong công tác xét xử của toà án và thẩm phán.
– Áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để và có hệ thống đối với các hành vi tham nhũng, không khoan nhượng với tham nhũng.
– Tiếp tục nội luật hóa Điều 13 của UNCAC nhằm đảm bảo sự tham gia của xã hội trong PCTN. Nhà nước cần xây dựng cơ chế phối hợp và hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước một cách hiệu quả hơn, bao gồm xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa Nhà nước, người dân và các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến PCTN.
– Xây dựng và đảm bảo việc thực thi các quy định yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, hướng tới tạo dựng môi trường khuyến khích và bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh liêm chính.
Đối với Doanh nghiệp:
– Áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt về liêm chính trong hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các đối tác kinh doanh cùng tuân thủ các chuẩn mực này để đạt được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
– Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp khác và các bên liên quan, ủng hộ và tham gia các sáng kiến PCTN trong khu vực tư nhân, bao gồm việc tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật PCTN sửa đổi.
Đối với báo chí, các tổ chức xã hội và người dân:
– Thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia PCTN bằng cách tích cực đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng Dự thảo Luật PCTN sửa đổi, Luật Tố cáo sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật – Tiếp cận thông tin thông qua các diễn đàn, hội thảo, tiếp xúc cử tri hay các phương tiện thông tin đại chúng.
– Báo chí và các tổ chức xã hội tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin để lôi cuốn người dân cùng lên tiếng về nhu cầu, nguyện vọng liên quan đến PCTN. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để trực tiếp khuyến nghị các giải pháp PCTN và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của các bên liên quan.
– Người dân nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN trong đời sống, tham gia giám sát xã hội và sẵn sàng tố cáo khi phát hiện ra các hành vi tham nhũng.
(Sưu tầm)