Lấy chồng xa nhà là bạn đã chấp nhận vì một người đàn ông mà rời xa gia đình hàng trăm, thậm chí hơn nghìn cây số để sinh sống, chấp nhận đóng vai trò một người vợ hiền, một người con dâu đảm, rồi vài năm sau trở thành một người mẹ tốt, mà chẳng thể còn cơ hội để thường xuyên chăm sóc cho bố mẹ ruột của mình.
Con gái lấy chồng xa xứ có khổ không?
Đàn bà, có ai lấy chồng xa, có ai từng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của mình mà sau rồi chả có đôi lần thất vọng.
Khi con ngỏ ý muốn lấy anh, mẹ bật khóc và thổn thức: như thế đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ mất con. Còn bố, bố nắm chặt tay con rể, mắt đỏ hoe dặn dò: “Bố giao con gái bố cho con, nhớ chăm sóc con gái bố cẩn thận con nhé”
“Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang cho
Có con mà gả chồng xa
Trước là mất giỗ, sau là mất con”.
Khi yêu nhau thời hiện đại, có ai nghĩ lấy chồng xa là khổ, khi mà người ta chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ có thể đi được cả đôi nghìn km, từ đầu này đất nước tới đầu kia đất nước. Vậy thì cái lí thuyết lấy chồng xa là khổ còn ai nghĩ tới nữa.
Nhưng tại sao các bà mẹ vẫn một mực muốn con gái lấy người gần gũi mình về mặt địa lý. Nhưng con gái thì nghĩ, bây giờ lấy chồng nghèo mới khổ, chứ lấy chồng xa đâu có khổ gì?
Câu chuyện Con lấy chồng xa
Ngày học đại học, có lẽ ít người không có người yêu lắm. Mà tình yêu sinh viên thì trong sáng vô cùng, không có tính toán thiệt hơn, yêu chỉ là vì yêu thôi. Thục cũng vậy, cô đem lòng yêu anh chàng cùng ở kí túc xa Kiên. Thục là con gái, sinh ra ở một thành phố lớn, tuy không phải ở trung tâm, chỉ là ngoại thành, nhưng cuộc sống của Thục vẫn khác xa cuộc sống của một chàng trai nơi miền núi phía bắc xa xôi.
Thục yêu Kiên vì tính hiền lành, chu đáo của anh, yêu anh vì vẻ ngoài thư xinh, đẹp trai ấy. Họ quấn quýt nhau suốt. Tình yêu đẹp đó khiến mọi người trong phòng đều ủng hộ.
Họ yêu nhau suốt hai năm đại học. Nhưng khi ra trường, đưa Kiên về ra mắt bố mẹ, cả nhà Thục phản đối, người phản đối nhiều nhất, kịch liệt nhất không ai khác là mẹ Thục. Bà khóc lên khoc xuống khuyên con gái bỏ Kiên. Nhưng cả hai vẫn tiếp tục yêu nhau và họ tin sẽ thuyết phục được bố mẹ Thục. Bởi về phía gia đình Kiên thì không ai phản đối cả. Mà lí do mẹ Thục phản đối Kiên không phải vì con người anh, chỉ vì một lí do duy nhất, Kiên quá xa Thục về mặt địa lý.
Mẹ Thục cũng là một cô gái ở quê của một tỉnh khác về làm dâu ở đây. Bà hiểu được nỗi tủi hờn khi lấy chồng xa là như thế nào? Khi ốm đau thui thủi một mình, khi cô đơn cũng chỉ một mình, khi muốn được chạy về bên mẹ, được ăn bữa cơm ngon mà không phải nấu, được chia xẻ buồn vui và được an ủi vỗ về từ mẹ… đều không thể được. Thậm chí, lúc sinh con, cũng không được kiêng cữ cẩn thận, không được chăm sóc tử tế. Một mình bơ vơ nơi xứ người, trăm ngàn nỗi tủi hờn bà đã phải trải qua… Những nỗi ám ảnh đó khiến cho bà nhất định không cho cô con gái duy nhất lấy chồng xa, cho dù Thục có khóc lóc lăn lên lộn xuống, cho dù Kiên vì yêu thục mà đã quỳ gối xin bà.
Tốt nghiệp đại học, họ ngậm ngùi tạm chia tay, Thục hứa, nhất định sẽ thuyết phục mẹ cho hai đứa ở bên nhau. Nhưng rồi khoảng cách địa lý,cùng áp lực công việc khiến cả hai không còn thời gian nghĩ về nhau quá nhiều. Tình cảm vì thế cũng không được như ngày xưa. Cuối cùng vì mẹ Thục quá kiên định, công việc của Thục cũng không được thuần lợi nên họ chia tay nhau. Khi nghe tin hai người chia tay, bạn bè cùng ở với Thục đều tiếc rẻ cho hai người. Và cũng không hiểu sao mẹ Thục lại có thể kiên định tới vậy.
Hai năm sau, Thục lấy một người ở xã gần bên. Chồng đi làm xa, vì thế thời gian Thục ở nhà chồng thì ít mà về nhà mẹ thì nhiều. Được ăn cơm mẹ nấu, được chơi với chị em, được ngủ dậy muộn, chỉ khi nào ở nhà chồng Thục mới phải giữ ý. Nhưng thời gian lấy chồng, đôi bàn tay Thục bắt đầu có những vết nứt tới chảy máu. Thục không làm được gì ngoài những việc nhẹ và khô khan. Còn làm gì liên quan tới nước là Thục phải đeo gang tay. Khi ấy, Thục mới thấy thấm thía việc lấy chồng gần tốt như thế nào.
Có gì cũng có thể chạy qua nhờ mẹ giúp, ốm đau có mẹ thuốc thang lo cho, buồn tủi ấm ức có mẹ khuyên giả an ủi. Lấy chồng đâu phải đơn giản như Thục nghĩ, đâu phải chỉ lấy mỗi người mình yêu, mà là phải lấy cả gia đình nhà chồng. Mà có mẹ chồng nào lại thương con dâu khác máu tanh lòng bằng người mẹ rứt ruột đẻ con ra. Lúc ấy, Thục mới nghẹn ngào ôm mẹ mà cảm ơn bà. Cảm ơn mẹ vì đã ngăn cản ý định cuồng nhiệt của tuổi trẻ.
Quả thật, tuổi trẻ có mọi thứ, nhan sắc, trí thông minh, tài năng, nhiệt huyết… thứ mà họ thiếu duy nhất, chính là những trải nghiệm của cuộc đời mà thôi. Những thứ đó, chỉ chính bản thân trải qua họ mới tin, mới thấm thía.
Ngày Thục sinh con gái, mẹ chồng thì thích cháu trai vì là con một trong nhà, thế là chỉ có một mình mẹ Thục chăm lo thục ở bệnh viện, rồi lại xin phép nhà chồng đón Thục về chăm sóc suốt ba tháng ở cữ. Đôi tay thục bị bệnh nứt cơ địa nên hầu như mẹ Thục làm tất cả. Nhìn mẹ vất vả sơm khuya, đêm còn thức bế con cho Thục ngủ. Thục chỉ biết nén giấu giọt nước mắt sau lưng mẹ. Ai bảo là gả con gần để mong được bát canh cần con cho chứ, mẹ mong gả con gần để còn được bao bọc con đến hơi thở cuối cùng mà thôi.
Bây giờ thì Thục mới cảm ơn mẹ ngàn lần vì ngày xưa mẹ nhất định không gả nàng cho Kiên. Nếu không, bây giờ trên cái tỉnh miền núi xa xôi cả nghìn km ấy, không biết nàng sẽ sống như thế nào khi chỉ có một thân một mình đơn độc. Bây giờ nàng khóc, không phải vì tiếc nuối mà vì nàng đã không thể hiểu được nỗi lòng của mẹ, không thể hiểu được tình yêu mà mẹ dành cho mình. Thậm chí, có thời gian, Thục còn có ý nghĩ căm hận sự lạnh lùng và tàn nhẫn của mẹ đối với nàng và Kiên.
Nhưng chính nhờ có mẹ, mà Thục không rơi vào cái cảnh: “chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Hay: “Mẹ ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?”…
5 lý do khuyên bạn không nên lấy chồng xa
Trong tình yêu không có giới hạn về khoảng cách địa lý, tuy nhiên nếu bạn quyết định lấy chồng xa thì bạn nên xác định trước là sẽ có rất nhiều khó khăn thử thách bạn. Dưới đây là 5 lý do khuyên bạn không nên lấy chồng xa.
Không có nhiều thời gian về thăm gia đình
Khi bạn quyết định lấy một anh chồng xa tít tắp mù khơi, cần phải xác định trước tâm lý rằng bạn sẽ thực sự nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Nhưng lại không thể hễ cứ nhớ là chạy về thăm bố mẹ được vì lúc này có thể bạn đang ở đâu đó cách nhà mình đến 300 – 400km. Khoảng cách này đối với một cô gái quen có gia đình bao bọc sẽ tựa như một vòng trái đất. Khoảng cách về không gian địa lý sẽ khiến bạn khóc nhiều hơn trong những ngày đầu mới về làm dâu xứ lạ.
Khó đoàn tụ mỗi khi lễ tết
Có người nói “Lấy chồng xa, 30 Tết ngồi khóc nhớ bố mẹ đẻ”. Không ít các bạn trẻ đã trải qua cảm giác này. Nếu 30 tết bạn muốn có mặt ở nhà mẹ đẻ để sum họp quây quần bên gia đình thì chớ có dại dột gì đi lấy chồng xa.
Lấy chồng xa đến ngày lễ, tết bạn muốn về cũng khó mà về được. Nếu như gia đình chồng bạn khá giả về kinh tế, có xe riêng thì chuyện đi lại dễ dàng hơn. Bạn hoàn toàn có thể “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ”. Nhưng nếu gia đình còn khó khăn, đi lại bất tiện thì có khi lễ tết chỉ kịp tranh thủ về qua nhà chốc lát.
Thu Hương (Khoái Châu – Hưng Yên) lấy chồng về Hà Giang nghẹn ngào nói: Năm đầu tiên lấy chồng xa, gần đến ngày tết lòng dạ cứ bồn chồn không yên, muốn về quê thăm bố mẹ, gia đình lắm nhưng không thể vì lúc đó nhà chồng còn biết bao công việc, rồi tàu xe đi lại tốn kém, thời gian gấp gáp quá nên không dám xin về. Nhớ lại cuộc sống trước kia thấy tủi thân quá, nhiều đêm nằm ôm chồng khóc nức lên. May sao chồng và gia đình chồng mình tâm lý nên ngày mồng 5 tết ông bà cho vợ chồng mình về quê vợ chơi 3 ngày.
Cũng trong hoàn cảnh của Thu Hương, cô gái xinh xắn Đỗ Trang mới 19 tuổi tâm sự: Em quê ở Bắc Ninh, lấy chồng về Nghệ An, từ nhà em về nhà chồng xa đến gần 400km, từ khi lấy chồng đến giờ em chưa về thăm nhà đẻ lần nào, tại lấy chồng xong em có bầu luôn, nên việc đi lại khó khăn. Tết đầu tiên xa nhà em buồn và tủi thân lắm, chồng em làm kỹ sư xây dựng nên đi công trình suốt em ở nhà thui thủi 1 mình, buồn quá chỉ biết gọi điện nhà khóc. Có lần mẹ em thương em quá nên lặn lội đường xa vào thăm em, nhưng chỉ được 1 lần vì bà cũng say xe lắm. Giờ cho em lựa chọn lại em không lấy chồng xa đâu.
Ngày cưới sẽ mệt mỏi và tốn kém hơn
Nếu lấy chồng xa, trong ngày cưới mọi thứ phải được tính toán kỹ lưỡng, việc đưa đón dâu cự kỳ vất vả. Nhiều cặp cô dâu chú rể phải lọ mọ từ lúc trời chưa sáng đến giữa trưa mới về đến nhà cho kịp giờ hoàng đạo. Đấy là còn chưa kể đến thời tiết, nếu xảy ra mưa to gió lớn, việc đi lại trở nên khó khăn vô cùng.
Những gia đình kinh tế không khá giả thì lấy chồng xa, lấy vợ xa sẽ rất tốn kém tiền xe đưa xe đón, tiền lễ nọ lễ kia… Nhiều nàng dâu sau khi về nhà chồng nghiễm nhiên phải chịu chung một món nợ cưới không hề nhỏ.
Lấy chồng xa đa phần sẽ vất vả hơn
Ngày trước khi lấy chồng nhiều bạn gái được bố mẹ cưng chiều, nhất là những cô sinh viên học tập xa nhà, mỗi lần về quê là y như rằng “sướng hơn tiên” vì chẳng mấy khi về được buổi bố mẹ nào lại nỡ sai việc. Có việc gì khó khăn hay to tát là có mẹ phụ giúp. Nay lấy chồng xa không ai đỡ đần, nhiều bạn lấy phải nhà chồng ghê gớm còn bị hoạnh họe đủ điều.
Và chắc chắn một điều nếu bạn lấy chồng xa, khi sinh con, bạn sẽ khổ hơn nhiều nếu không có sự giúp đỡ của mẹ đẻ. Lúc đó, nhiều khi bạn phải tự thân vận động mọi việc.
Bố mẹ đẻ ốm đau, con cái không kịp về
Điều hối hận nhất của con cái là không có mặt chăm sóc lúc bố mẹ đau ốm. Và bạn sẽ ân hận cả đời nếu không kịp về nhìn mặt bố mẹ lần cuối. Có những bạn lấy chồng xa tới mức phải đi tàu xe 3, 4 ngày trời mới về đến nhà, lúc ấy chỉ kịp thắp nén nhang cho người đã khuất. Việc đau thương này không phải là hiếm.
Vẫn biết tình yêu là do duyên số, khi yêu chớ nên nghĩ đến chuyện thiệt hơn. Thế nhưng, trước khi đi đến một quyết định quan trọng trong cuộc đời, bạn nên suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ xem bản thân mình có thể vượt qua được mọi rào cản của khoảng cách địa lý không nhé.
Lấy chồng xa là phúc hay là hoạ đều do bản thân
Đàn bà, có ai lấy chồng xa, có ai từng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của mình mà sau rồi chả có đôi lần thất vọng. Quả thật tình yêu không có lỗi, chỉ có điều vì thời gian, ngay cả thứ tình yêu sâu đậm nhất cũng có thể nhạt phai, người phụ nữ trong những phút trống trải cô đơn, trong những nối ấm ức tủi hơn… không thể tìm kiếm được tất cả những sự ấm áp, bao dung bên người bạn đời của mình. Trên đời này chỉ có một người duy nhất có thể khỏa lấp được tất cả những điều đó, là những người mẹ mà thôi.
Và chỉ khi chúng ta làm mẹ, chúng ta nhìn con lớn lên, chúng ta mới biết, những gì mẹ nói luôn là những trải nghiệm quý báu, đã được đúc kết, chắt chiu từ chính nhưng đớn đau có thực trong đời…
(Sưu tầm)