Công dân Việt Nam ở nước ngoài có được Nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ không? Bảo hộ thế nào?

284

Trong luật quốc tế hiện đại, theo nghĩa hẹp “ bảo hộ công dân ở nước ngoài” được hiểu là việc quốc gia thông qua các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân nước mình ở nước ngoài khi các quyền và lợi ích này bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ở nước ngoài đó.

Còn theo nghĩa rộng thì bảo hộ công dân ở nước ngoài không chỉ là việc quốc gia can thiệp để bảo vệ các quyền và lợi ích công dân nước mình ở nước ngoài mà còn bao gồm cả các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà quốc gia dành cho công dân nước mình khi ở nước ngoài, kể cả trong trường hợp không có hành vi xâm hại tới công dân của nước này.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, do đó, công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng được hưởng các quyền và lợi ích, nghĩa vụ như công dân Việt Nam ở trong nước; Công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng được pháp luật nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó theo pháp luật.

Khoản 3 Điều 17 và Khoản 2 Điều 18 Hiến pháp năm 2013 quy định:

– Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước CHHXHCN Việt Nam bảo hộ;

– Nhà nước CHXHCN Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Trên thực tế, bảo hộ công dân có thể là những việc đơn giản như: Nhà nước ra thông cáo cảnh báo người dân không đi du lịch đến một quốc gia đang có nguy cơ bị tấn công khủng bố hay đang nằm trong vòng dịch bệnh, cho đến các hoạt động phức tạp hơn như sơ tán hàng chục nghìn người lao động đến nơi an toàn hoặc về nước; hoặc giải cứu các ngư dân khỏi tay bọn cướp biển…

Về mặt pháp lý, để bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia nhiều điều ước quốc tế, đáng chú ý là Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự và gần 20 hiệp định lãnh sự, hiệp định kiểu dân.

Chính phủ đã mở khoảng 100 cơ quan đại diện (các Đại sứ quán, Tổng lãnh sứ quán và Cơ quan Lãnh sự danh dự) ở khắp các châu lục. Với bộ máy này, công tác bảo hộ, giúp đỡ công dân ở nước ngoài đã và chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại các Đại sứ quán ở địa bàn có đông lao động Việt Nam như: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Cộng hòa SEC…, đều đã thành lập Ban Quản lý lao động… Bộ ngoại giao quán triệt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là một trong những trọng tâm công tác của Bộ và của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát ký kết hiệp định lao động với các nước: Lào năm 1995, Oman năm 2007, Qatar năm 2008, UAE năm 2009, Canada năm 2010…Đây là những hành lang pháp lý quan trọng, là cơ sở để bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Về hợp tác quốc tế, để bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tháng 11/2007, tham gia tích cực các hoạt động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng như tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế trrong lĩnh vực này.

Ngoài ra, cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự và di cư quốc tế do Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao quản lý (địa chỉ lanhsuvietnam.gov.vn và dicu.gov.vn) cũng đã đi vào hoạt động nhằm đáp ứng các yêu cầu cập nhật và chia sẻ thông tin, giúp mọi công dân tiếp cận và có kiến thức cần thiết khi đi nước ngoài đồng thời góp phần đưa công tác bảo hộ công dân ngày càng chuyên nghiệp hơn.

(Tổng hợp)