Cửu Long Tranh Bá là game có tầm vóc đồ sộ

101
Đó là nhận xét của nhạc sĩ – nhà văn – dịch giả Vũ Đức Sao Biển trong quá trình tham gia hiệu đính game Cửu Long Tranh Bá do Công ty VinaGame ký độc quyền mua bản quyền tại nước ngoài và độc quyền sản xuất, phát hành tại Việt Nam. Dưới đây là một số cảm nhận của ông về game Cửu Long Tranh Bá.

Nguyên tác của Cửu Long Tranh Bá được viết bằng Hàn ngữ, có đối chiếu chuyển thể qua Trung văn, đã được các thành viên của VinaGame biên dịch và hiệu đính một cách thận trọng. Trong quá trình tham gia hiệu đính, tôi đã thực sự bị thu hút bởi hệ thống hình ảnh được thực hiện một cách nghiêm túc, chăm chút, đầy tính nghệ thuật kết hợp với câu chuyện đầy những diễn biến bất ngờ, thú vị trong Cửu Long Tranh Bá. Tôi tin rằng Cửu Long Tranh Bá là một game có tầm vóc đồ sộ, có chiều sâu tư tưởng, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người chơi game trên cả nước.
Trong triết lý phương Đông, rồng là linh thú đứng đầu tứ linh (long, lân, quy, phụng) – một linh thú tiêu biểu cho sức mạnh và quyền lực. Cửu Long Tranh Bá là tác phẩm nói về chín môn phái, bang hội đứng đầu trong võ lâm Trung Quốc. Đó là những danh môn chính phái hợp thành bạch đạo như Thiếu Lâm, Võ Đang, Cái Bang. Đó là những môn phái chưa tạo được nhiều cảm tình trong giới giang hồ, bị liệt vào hắc đạo như Bí Cung, Ma Giáo, Lục Lâm Minh,… Nhưng dù là “bạch đạo” hay “hắc đạo”, những nhân vật của tác phẩm đều sống rất người!
Các đệ tử Thiếu Lâm, Võ Đang, Cái Bang luôn tâm niệm nguyện vọng được hành hiệp trượng nghĩa, cứu vớt, giúp đỡ những người cô thế, những số phận đau khổ. Bí Cung là một môn phái gồm toàn nữ nhi, có tham vọng chứng minh sức mạnh từ sự đoàn kết của phụ nữ để tiến tới thực hiện lý tưởng nam nữ bình quyền. Tu La Ma Hậu của Bí Cung trở thành kẻ lạnh lùng, độc ác vì bị cuộc đời ruồng rẫy nhưng bản chất vẫn là một người phụ nữ thuần lương. Lục Lâm Minh tuy làm nghề “lục lâm thảo khấu” nhưng bản chất của họ vẫn là những lương dân bị chế độ quân chủ và bọn quan lại hà hiếp, áp bức, bóc lột, đến nỗi phải trở thành kẻ cướp. Là kẻ cướp nhưng họ không cướp của người nghèo, người cô thế, vẫn giữ được bản sắc của giang hồ hào sĩ chân chính. Ma Giáo (Manichéisme – Minh giáo – được người Trung Quốc gọi đầy đủ là Ma Ni giáo, gọi mãi bỏ mất chữ Ni, chỉ còn lại Ma giáo) thực chất là một giáo phái chính trực, sẵn sàng đứng về phía người nghèo, mong có một Ma Giáo thiên hạ – một cuộc sống tốt đẹp hơn…
Câu chuyện diễn biến với những tình tiết bất ngờ, thú vị và hấp dẫn. Lăng Vân Đạo trưởng phái Võ Đang – một kiếm khách siêu tuyệt, lại thương yêu Nguyệt Hạ Ma Ảnh của Bí Cung. Tình yêu ấy khiến ông rời xa phái Võ Đang và biệt tích giang hồ. Bất Luân hòa thượng của phái Thiếu Lâm không tuân giới luật, chuyện gì cũng có thể làm được, kể cả mở kỹ viện! Phi Thiên Tiên Tử của Bí Cung chỉ vì bị một đệ tử Diêm Vương Cốc ăn cắp nội y cũng sẵn sàng gây ra một cuộc chiến tranh! Kim Tiền Bang xây dựng môn phái trên sức mạnh tiền bạc, phía trước thò tay cướp tiền vàng của dân chúng, phía sau đút lót cho quan lại triều đình, tự xưng là giang hồ hào sĩ nhưng chẳng qua chỉ là một lũ tiểu nhân.
Ở dưới đáy xã hội là những con người thấp cổ bé miệng, dù đi đến đâu cũng bị khổ nạn bủa vây. Đó là những người dân mất làng vì bọn Diêm Vương Cốc chiếm lấy làm đại bản doanh, là những người dân phải bỏ làng vì sợ dịch bệnh từ nguồn nước suối bị đầu độc, là những đứa bé có mẹ bị bắt đi làm người phục dịch, những cô gái sắp lấy chồng bị giết oan, hiện hồn lên nhờ bọn hào sĩ giang hồ chuyển chiếc lược, chiếc gương về cho gia đình, những lão học giả mất các bộ sách quý… Tất cả đều nhờ bọn giang hồ hào sĩ chân chính đi tìm kiếm, thu hồi, trừng trị lũ gây ra tội ác để đòi lại công bằng. Vì vậy mà cốt chuyện Cửu Long Tranh Bá chứa đựng những giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, làm cảm động lòng người.
Thế nhưng, cái hay nhất trong Cửu Long Tranh Bá là không có những thảm cảnh đầu rơi, máu đổ, không lạm sát mạng sống con người như trong các phim chưởng. Những cảnh chết chóc chỉ được thuật lại gián tiếp, sơ lược và ngắn gọn. Tác phẩm vì vậy mang đậm tinh thần nhân ái.
Điều thú vị nhất chính là các tác giả xây dựng game Cửu Long Tranh Bá là người Hàn Quốc nhưng nội dung tác phẩm lại phản ánh sự đấu tranh của bọn hào sĩ giang hồ trong võ lâm Trung Quốc vô cùng chân thực và sống động. Tôi nghĩ chắc chắn các tác giả đã dày công nghiên cứu xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc rất thấu đáo. Ta có thể tìm thấy trong Cửu Long Tranh Bá những hoạt động thuần túy Trung Quốc: những người kể chuyện giang hồ võ lâm để kiếm một chén rượu ngon, những nhà buôn đi khắp đó đây, những hoạt động của tiêu cục, y trang, thiết điếm, lữ điếm, tửu quán… Thỉnh thoảng một nhân vật hiền triết xuất hiện, tiên đoán võ lâm sẽ đầy sóng gió nhưng kết cục ra sao thì hạ hồi phân giải.
Câu chuyện mang đậm phong cách tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc. Thế nhưng, nét độc đáo là Cửu Long Tranh Bá được viết với một bút pháp hiện đại hơn, mới mẻ hơn. Câu chuyện có những đoạn được lặp đi lặp lại một ý, do nhiều người khác nhau phát biểu. Nó thoát ra khỏi phong cách của tiểu thuyết chương hồi. Nó đi trực tiếp vào từng tình huống, không mô tả, để cho hình ảnh trực tiếp nói lên nội dung. Nó chuyển cảnh cực nhanh, lời dẫn chuyện và lời thoại kèm theo có giá trị thuyết minh cho các game thủ rõ thêm về nội dung cần diễn đạt. Cửu Long tranh bá là câu chuyện được sắp xếp khoa học, chắc chắn hấp dẫn các bạn từ đầu đến cuối. Có thể xem câu chuyện này là một bộ tiểu thuyết võ hiệp trường thiên hiện đại, mở đầu cho một phong cách mới của tiểu thuyết võ hiệp trong thế kỷ XXI.
(Sưu tầm – Theo Thanh Niên)