Đánh răng chảy máu là bệnh gì?
Chảy máu chân răng khi chải răng là một tình trạng xảy ra phổ biến trong cuộc sống. Hầu hết các trường hợp này thường do viêm nướu răng hoặc viêm nha chu gây ra.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý viêm nướu và viêm nha chu, như vôi răng (thường gặp nhất), do phục hình răng không tốt, thay đổi hormone ở phụ nữ mang thai… Ngoài ra, có một số bệnh lý toàn thân cũng có thể gây chảy máu chân răng như máu khó đông, Leucemia…
Khi đánh răng chảy máu lợi thì nguyên nhân chủ yếu là do mảng bám và cao răng. Mảng bám trong suốt, dính rất nhanh và chứa rất nhiều vi khuẩn. Mảng bám được tích tụ bởi xác vi khuẩn trong miệng, thức ăn, thành phần nước bọt. Dần dần, mảng bám đó cứng dần lên không chỉ bám ở chân răng mà còn ở kẽ răng.
Khi mảng bám đó cứng và dày dần lên trở thành cao răng. Cao răng và mảng bám sẽ kích thích lợi, làm cho lợi bị nề đỏ, thậm chí sưng đau, chảy máu lợi. Khi lợi bị sưng đau, mọi người lại thường có xu hướng tránh đánh răng vào vùng đó. Điều này càng làm tăng tích tụ xác vi khuẩn, thức ăn. Khi lợi chảy máu cũng làm mặt của cao răng và mảng bám dày hơn nữa. Vòng luẩn quẩn này khiến lợi sưng hơn, thậm chí tụt lợi.
Để tránh chảy máu khi đánh răng, bạn cần lưu ý
– Lấy cao răng 6 tháng một lần.
– Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày.
– Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn.
– Bạn nên thay bàn chải đánh răng 3 tháng/lần.
– Bạn nên dùng một số trái cây giúp giảm nguy cơ chảy máu chân răng như: ổi, cam, chanh, bưởi.
Về vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày, bạn nên chải răng ngay sau bữa ăn (trong khoảng 1 tiếng sau). Bạn nên lựa chọn loại bàn chải có phần lông thật mềm và chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương nướu cũng như gây mòn răng. Đồng thời, bạn nên kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng.
(Tổng hợp)