Deep Web và Dark Web là gì? Sự khác nhau giữa Deep Web và Dark Web

475

Dark Web là gì, còn Deep Web là gì? và sự khác nhau giữa chúng như thế nào mà Chính phủ Anh Quốc vừa thành lập một đơn vị chuyên về tội phạm mạng, nhằm ngăn chặn Dark Web.

Chúng ta cùng tìm hiểu khái nhiệm Deep web là gì? Dark Web là gì?

Deep web là gì

Có rất nhiều nội dung của Internet mà những trình duyệt thông thường không thể truy cập vào được. Chúng tồn tại ngoài phạm vi của Google, Facebook và trình đọc RSS của bạn. Những trang web này được gọi là “Deep Web” hoặc “Undernet”, hiểu nôm na là “Web chìm” hay “Mạng ngầm”.

Chúng tạo thành một thành phố kỹ thuật số thịnh vượng dành cho những kẻ buôn bán ma túy, vũ khí, ấu dâm hay sát thủ nhưng tồn tại “ngầm” trong lòng Internet.

Deep web là gì

Những trang “Web chìm” này vốn được khóa chặt. Nếu muốn truy cập chúng, bạn cần một trình duyệt đặc biệt. Đó là trình duyệt Tor. Cách mà Tor kết nối Internet hoàn toàn khác những trình duyệt thông thường. Nếu bạn sử dụng Chrome hoặc Firefox, danh tính và vị trí của bạn dễ dàng bị tiết lộ. Nhưng nếu bạn duyệt web bằng Tor, những thông tin đó sẽ được giữ bí mật ở mức cao nhất có thể.

Tor là gì?

Tor, vốn là từ viết tắt của “The Onion Router”, là một mạng ẩn danh được thiết kế nhằm tuyệt đối giữ bí mật về danh tính và vị trí của người dùng khi họ duyệt web. Khi bạn sử dụng trình duyệt Tor, các máy chủ tình nguyện của hệ thống Internet trên khắp thế giới sẽ dẫn bạn đi từ máy chủ đến máy chủ khác trước khi cho phép bạn đọc được nội dung cuối. Có thể hiểu đây là một chiêu “tung hỏa mù” của Internet ngầm. Không những thế, trước khi dữ liệu đến được với bạn, chúng đã bị mã hóa vài lần.

Khám phá Deep Web

Ông Michael Bergman – nhà sáng lập của BrightPlanet – giải thích một cách ngắn gọn : “Tìm kiếm trên Internet ngày nay giống như bạn chỉ thả lưới trên bề mặt của đại dương. Trong khi còn có rất nhiều thứ ở dưới đó nữa. Và vì thế mà bạn bỏ qua chúng”.

Sử dụng trình duyệt Tor sẽ dẫn bạn đến một thế giới mạng hoàn toàn khác mà bạn khó có thể hình dung ra được. Nếu Google giúp bạn tìm thấy những cây kim thì Tor sẽ cho phép bạn “khám phá đáy biển”.

Tor bảo vệ thông tin liên lạc của người dùng ở mức tối đa, cho phép bạn tìm hiểu những chủ đề nhạy cảm và truy cập những thông tin mà thông thường bạn không thể nào truy cập được. Tor hướng đến hoạt động thông tin tự do và những người muốn bảo đảm sự an toàn của những kết nối Internet họ tham gia ở mức cao độ.

Tuy nhiên, với sức mạnh ẩn danh và miễn phí như vậy, Tor đang trở thành một công cụ đắc lực cho nhiều hoạt động phạm pháp của những tổ chức tội phạm vô cùng nguy hiểm.

Mặt trái của Deep Web

Câu chuyện về Silk Road là một điển hình về mặt trái của Deep Web. Nó được mệnh danh là “trang Amazon.com của ma túy”. Thông qua Bitcoin – một loại tiền ảo vô danh có thể được đổi thành tiền thật – những kẻ cung cấp “hàng trắng” có thể mở những cửa hàng ảo trên Road Silk và phân phối sản phẩm của mình thông qua dịch vụ bưu chính Mỹ U.S. Postal Service.

Silk Road

Tuy nhiên, “đế chế” Silk Road đã sụp đổ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI đã triệt phá thành công hệ thống này và bắt giữ tên đầu sỏ Ross William Ulbricht. Tạm thời, tên trùm này bị buộc các tội danh sau: tổ chức mua bán ma túy, tổ chức tấn công hệ thống máy tính và tổ chức rửa tiền.

Theo thống kê của Tòa án Mỹ, tính đến ngày 23 /7/2013, có khoảng 957.079 tài khoản người dùng đã đăng ký trên Silk Road. Nhưng số lượng thực tế có lẽ còn nhiều hơn thế. Tổng doanh thu của Silk Road từ khi ra mắt năm 2011 cho đến này 23 /7/2013 đạt khoảng 9.519.664 Bitcoin (1,2 tỷ USD, tương đương 25.000 tỷ VNĐ), Silk Road được hưởng 614.305 Bitcoin (79,8 triệu USD).

Ngoài ra, còn có thể kể đến những ví dụ tiêu biểu khác của việc lạm dụng Deep Web như: EuroArms bán và cung cấp vũ khí (không có đạn) trái phép, White Wolves cung cấp dịch vụ sát thủ, Human Experiment cung cấp các phương pháp y tế nhằm điều khiển con người hay vô số các website chứa nội dung khiêu dâm trẻ em.

Có nên đóng cửa Deep Web?

Mặc dù mặt trái của Deep Web mang tới những hậu quả khôn lường, nhưng không phải khi nào nó cũng phục vụ cho những mục đích xấu. Tor với các tính năng đặc biệt của nó cũng là công cụ hữu ích hỗ trợ thế giới “sạch”. Chẳng hạn, Tor có rất nhiều ứng dụng quân sự nhằm bảo vệ thông tin liên lạc và thu thập tình báo hay thông qua Tor, trang web WikiLeaks có thể cung cấp cho người dùng phương tiện để tải lên các tài liệu nặc danh.

Deep Web có xấu hay không phụ thuộc vào người dùng nó. Nếu các nhà chức trách có chế tài hợp lý, các hãng bảo mật có biện pháp tối ưu đối phó thì mặt tối của Deep Web sẽ không còn cơ hội để tồn tại và phát triển.

Dark Web là gì?

Dark Web (trang web đen) là một thuật ngữ để chỉ một tập hợp các trang web có thể truy cập công khai được, nhưng lại ẩn địa chỉ IP của máy chủ chứa trang web đó. Do vậy, bất kỳ người dùng web nào cũng có thể đến được trang web nhưng rất khó để phát hiện hay nhận ra ai đứng phía sau các trang web này. Và dĩ nhiên, bạn không thể dùng các công cụ tìm kiếm thông thường như Google hay Bing để tìm thấy chúng.

Hầu hết những trang Dark Web đều giấu đi định danh nhận dạng bằng công cụ mã hoá Tor, mà bạn cũng có thể sử dụng để dấu định danh của mình và làm sai lệch vị trí địa lý thực của bạn. Khi một trang web chạy qua Tor thì nó cũng có được hiệu quả ẩn danh tương tự.

Do đó, trang web đó càng nhân khả năng ẩn danh lên nhiều lần. Để đến một trang web trên Dark Web có sử dụng mã hoá Tor, người dùng cần cài đặt Tor. Cũng như IP của người dùng cuối được đánh qua lại thông qua nhiều lớp mã hoá, để rồi cuối cùng xuất hiện là một địa chỉ IP khác trên mạng Tor, trang web cũng vậy.

Nhưng không phải trang Dark Web nào cũng sử dụng Tor. Vài trang web dùng những dịch vụ tương tự như là I2P, ví dụ như Silk Road Reloaded. Nhưng nói chung, nguyên tắc vẫn tương tự nhau. Người lướt web phải sử dụng cùng một công cụ mã hoá như trang web và biết tìm trang web đó ở đâu để có được địa chỉ URL.

Những ví dụ phổ biến nhất về các trang web Dark Web là Silk Road và những trang tương tự. Silk Road từng là (và vẫn là) một trang web để mua và bán nhiều loại thuốc cấm. Nhưng thực tế cũng có những người sử dụng hợp pháp Dark Web. Người dùng hoạt động bên trong những cộng đồng đóng kín, không giao tiếp với xã hội bên ngoài có thể sử dụng Dark Web để trao đổi thông tin với bên ngoài.

Dark Web hay Deep Web?

Mặc dù hai từ ngữ này có thể dùng chung được với nhau nhưng thực sự chúng không giống nhau. Deep Web (trang web sâu) chỉ mọi trang web mà cơ cấu tìm kiếm (engine) không thể tìm thấy. Do vậy, Deep Web bao hàm cả Dark Web (trang web đen), cộng thêm tất cả cơ sở dữ liệu người dùng, các trang webmail, các diễn đàn web yêu cầu phải đăng nhập và mọi trang web nằm bên dưới giao diện thanh toán. Đây là số lượng trang khổng lồ và chúng tồn tại vì những lý do đơn giản.

Ví dụ, một trang web nào đó bị Google chặn, không đưa vào chỉ mục tìm kiếm nên người dùng không thể tìm được nội dung trên trang web đó. Nhưng thực chất, mọi trang trên trang web này đều hiện diện đâu đó nên chúng ta gọi chúng là Deep Web. Hệ thống quản lý nội dung (CMS) để bạn đăng nhập, tạo và xuất bản nội dung lên web cũng gọi là Deep Web. Vì vậy, song song với trang hiển thị trực tuyến thì cũng có trang khác ở trong CMS tương ứng. Và rõ ràng, những công việc mà chúng ta làm ở CMS hoàn toàn không xuất hiện trong engine tìm kiếm, và khi muốn truy cập các trang này thì người dùng cần mật khẩu. Đã gần 20 năm qua, vô vàn hệ thống CMS như vậy xuất hiện và cũng có vô vàn nội dung Deep Web ra đời từ các hệ thống CMS đó.

Bạn có một tài khoản ngân hàng trực tuyến? Những bit dữ liệu được bảo vệ bằng mật khẩu cũng nằm trên Deep Web. Và khi bạn xem xét có bao nhiêu trang mà một tài khoản Gmail sẽ tạo ra thì bạn sẽ hiểu được quy mô của Deep Web. Do vậy, đó là lý do tại sao những bài báo công nghệ thường nói rằng có đến 90% dữ liệu trên Internet có trong Dark Web, họ chưa phân biệt rõ được một Dark Web ma mãnh với một Deep Web hiền lành và lớn hơn rất nhiều. Dark Web chỉ là cách không cho các trang web lộ diện trên với engine tìm kiếm vì lí do bảo mật hay tránh những người tò mò mà thôi.

Dark Internet là gì?

Deep Web là tất cả trang web nằm bên dưới Internet thông thường, không được đánh chỉ mục trên các engine tìm kiếm, bao gồm cả Dark Web.

Nghe qua từ này, có lẽ bạn cảm thấy rắc rối hơn nữa. Dark Internet đôi khi được dùng để mô tả các loại hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu hoặc thậm chí trang web mà không thể truy cập được từ Internet thông thường. Trong trường hợp này, có thể chủ đích của Dark Internet là các lý do thiên về mặt kỹ thuật, hoặc bởi vì tài sản ấy có chứa những thông tin quan trọng mà vài người sẽ muốn, hoặc trong vài trường hợp bởi vì dữ liệu đơn giản mang tính riêng tư.

Tóm lại, Dark Web hay Deep Web thường được nhiều tờ báo công nghệ dùng để nói đến những thế giới trực tuyến bí mật, nguy hiểm, còn Dark Internet là một nơi rất chán, nơi để các nhà nghiên cứu lưu trưc các dữ liệu thô cho mục đích nghiên cứu. Deep Web là từ để chỉ mọi trang web không được sắp vào chỉ mục tìm kiếm, còn hai từ còn lại để chỉ những tính chất cụ thể hơn.

Làm thế nào truy cập vào Dark Web?

Khá dễ để truy cập vào Dark Web bằng hệ thống mạng Tor.

Về mặt kỹ thuật, truy cập vào Dark Web không khó. Đơn giản là bạn chỉ cần cài và dùng Tor (torproject.org), tải về trình duyệt Tor Browser Bundle, có sẵn một loạt công cụ cần thiết. Công cụ Vidalia Control Panel sẽ tự động xử lý quá trình thiết lập mạng ngẫu nhiên và khi thiết lập xong, trình duyệt sẽ tự động mở. Đóng trình duyệt, máy tính cũng tự động ngắt kết nối với Tor.

Tuỳ vào bạn muốn làm gì trên Dark Web, một số người dùng khuyến nghị bạn nên lấy băng keo dán lên webcam trên laptop lại để ngăn kẻ xấu theo dõi.

Vấn đề khó là bạn cần biết nơi mà mình muốn tìm kiếm. Đến đây, có lẽ bạn nên tự mày mò và cẩn thận lướt Dark Web sao cho an toàn nhất.

Những trang web tổng hợp tin như Reddit có đưa ra danh sách rất nhiều liên kết đến Dark Web, có vài trang Wiki, trong đó trang thehiddenwiki.org liệt kê cả vài địa chỉ rất rất tệ hại.

Một lần nữa, bài viết này chỉ muốn bạn nhận biết rõ thế nào là Dark Web, Deep Web và Dark Internet,không khuyến khích bạn thử tìm tòi và dấn sâu vào những hành vi phạm pháp trực tuyến.

(Tổng hợp – Nguồn dựa trên nguồn PC World VN)