Nếu quí vị là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt Kiều) và đang có ý định sở hữu một căn nhà tại Việt Nam thì đây là một bài viết cần quan tâm.
Ba đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Điều tiên quyết đầu tiên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài ( tạm gọi là Việt kiều) phải được được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên (visa 3 tháng). Điều này hiện nay hầu như mọi Việt kiều đều có thể đáp ứng.
Tiếp đó, chỉ khi Việt kiều thuộc một trong số các đối tượng sau sẽ có quyền sở hữu nhà (gắn liền với “quyền sử dụng đất” – tại VN, “nhà” thì được sở hữu, còn “đất” là tài sản thuộc “sở hữu toàn dân”, chỉ có “quyền sử dụng) tại Việt Nam:
• Đối tượng 1: Người có quốc tịch Việt Nam
Việt kiều thuộc đối tượng này có quyền sở hữu (không hạn chế số lượng) nhà ở tại Việt Nam. Việc xác lập có thể thông qua nhiều hình thức như : mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở hoặc được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để xây dựng nhà ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam.
Ví dụ : ông A là Việt kiều và còn quốc tịch Việt Nam. Khi đó, nếu ông A được cho phép cư trú tại VN trên 3 tháng thì ông A có quyền mua hoặc nhận thừa kế một căn nhà tại TP.HCM.
• Đối tượng 2:
Việt kiều nếu không thuộc trường hợp trên, cũng có quyền sở hữu nhà ở nếu bản thân thuộc trong các trường hợp sau đây :
– Là người có công đóng góp với đất nước, bao gồm:
o Người được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi.
o Người có công với cách mạng : có giấy tờ chứng minh được hưởng chế độ ưu đãi do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
o Người có thành tích đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen;
o Người tham gia vào Ban Chấp hành các tổ chức chính trị – xã hội của Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên được các tổ chức này xác nhận;
o Người được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương hội, người là nòng cốt các phong trào, tổ chức của kiều bào có quan hệ với trong nước và người có những đóng góp, giúp đỡ tích cực cho các cơ quan đại diện hoặc các hoạt động đối ngoại của Việt Nam ở nước ngoài được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài xác nhận;
– Nhà văn hoá, nhà khoa học, bao gồm:
Người được phong học hàm, học vị về khoa học, giáo dục, văn hoá – nghệ thuật, thể dục – thể thao của Việt Nam hoặc của nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế – xã hội đang làm việc tại Việt Nam.
Được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng các trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu của Việt Nam mời về làm chuyên gia, cộng tác viên, giảng dạy và có xác nhận của cơ quan, tổ chức mời về việc đối tượng này đang làm việc tại cơ quan, tổ chức đó;
Ví dụ: trường hợp của giáo sư nhạc sỹ Trần Văn Khê, có thể mua và sở hữu nhà tại VN.
– Người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt có giấy xác nhận về chuyên môn, kỹ năng của hiệp hội, hội nghề nghiệp Việt Nam hoặc của cơ quan cấp Bộ phụ trách lĩnh vực chuyên môn, kỹ năng kèm theo giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (đối với trường hợp pháp luật yêu cầu phải có giấy phép hành nghề) hoặc Giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (đối với trường hợp pháp luật không yêu cầu phải có giấy phép hành nghề);
– Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước có giấy tờ chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp kèm theo hộ khẩu thường trú và giấy chứng minh nhân dân của một bên vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở trong nước.
• Đối tượng 3:
Trường hợp Việt kiều không thuộc hai trường hợp nêu trên, thì vẫn có thể có quyền sở hữu 1 căn nhà ở « riêng lẻ » hoặc một « căn hộ chung cư » tại Việt Nam khi bản thân có đủ hai điều kiện sau:
+. Giấy tờ chứng minh là người gốc Việt Nam.
+. Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Trường hợp này, nếu đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà được thừa kế hoặc được tặng cho nhà ở khác thì chỉ được chọn sở hữu một nhà ở; đối với nhà ở còn lại thì được quyền tặng cho hoặc bán cho các đối tượng khác và được hưởng giá trị.
Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc có gốc Việt Nam
– Đối với người có quốc tịch Việt Nam: phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị. Trong trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có một trong các giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
– Đối với người gốc Việt Nam: phải có hộ chiếu nước ngoài kèm theo giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh có gốc Việt Nam.
Giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú tại Việt Nam
– Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam thì phải có Sổ tạm trú hoặc Giấy tờ xác nhận về việc đăng ký tạm trú tại địa phương.
Để được cấp các giấy tờ trên, Việt kiều phải có đơn đề nghị cấp và xuất trình hộ chiếu tại cơ quan công an cấp phường.
Trong thời hạn khoảng 3 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, công an cấp phường « có trách nhiệm » cấp Giấy xác nhận tạm trú tại VN.
– Đối với người mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có Thẻ tạm trú hoặc Có dấu chứng nhận tạm trú đóng vào hộ chiếu với thời hạn được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên. Để được cấp giấy tờ này, người mang hộ chiếu nước ngoài có đơn đề nghị, gửi kèm hồ sơ tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với Việt kiều
« Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà » (GCNQSHN) là tên gọi gọn lại của một tờ giấy do UBND cấp quận huyện cấp – là bằng chứng pháp lý chứng minh quyền sở hữu nhà của một người.
Tên gọi đầy đủ của GCNQSHN là « Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất ở và tài sản khác gắn liền với đất » (dài quá !).
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau khi đã mua nhà, cần làm thủ tục để xin cấp GCNQSHN, nộp hồ sơ tới Phòng đăng ký – thuộc UBND quận/huyện.
Hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy (theo mẫu).
– Hợp đồng mua bán nhà – có công chứng.
– Biên lai thu phí, lệ phí.
– Các giấy tờ chứng minh về việc người đề nghị thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; giấy tờ chứng minh về nguồn gốc, quốc tịch Việt Nam của người đề nghị.
(Theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP)