Dương tính là sao? Tìm hiểu rõ ràng về dương tính và âm tính

722

Trong cuộc sống thường ngày bạn luôn gặp những từ âm tính hay dương tính. Âm tính là gi?. Dương tính là gi?. Âm tính nó ra sao như thế nào?. Dương tính là có bệnh hay không có bệnh?… có muôn vàn câu hỏi đặt ra cho hai từ này.

Chính vì thiếu hiểu biết về hai kết quả xét nghiệm máu âm tính và dương tính mà rất nhiều người đã mất ăn mất ngủ thậm chí mất tiền vô ích chỉ vì kết quả xét nghiệm máu dương tính. Xét nghiệm máu dương tính có đáng lo không là câu hỏi của hầu hết những người đi xét nghiệm máu, bất kể lý do đi xét nghiệm là gì?

Hiểu đúng về Âm tính và Dương tính

Kết quả xét nghiệm máu thường gói gọn trong 2 dạng kết luận: âm tínhdương tính. Vậy kết quả nào cho biết bạn đã mắc bệnh?

Âm tính hay dương tính là khái niệm dùng để chỉ kết luận một xét nghiệm có tính chất định tính nào đó (dương tính là “có bệnh” và âm tính là “không có bệnh”).

Ý nghĩa của âm tính hay dương tính còn phụ thuộc vào loại xét nghiệm được thực hiện. Chẳng hạn, một người phụ nữ đang mong có con nên đi xét nghiệm máu thử thai, nếu kết quả dương tính thì đó quả là niềm hạnh phúc của họ, nhưng nếu người đó chưa lập gia đình và đang là sinh viên thì điều đó quả là “bất hạnh” đối với họ.

Rất nhiều người đã nhầm lẫn kết quả xét nghiệm dương tính là “tốt”, “tích cực” còn kết quả xét nghiệm âm tính là “xấu”, “tiêu cực”. Sự thực hoàn toàn ngược lại

Dương tính là gì?

Dương tính là có nguy cơ bị mắc bệnh, đã tiếp xúc hay bị phơi nhiễm nguồn gây bệnh trong quá khứ (tìm thấy dấu hiệu hoặc vượt quá ngưỡng quy định).

Âm tính là gì?

Âm tính là không phát hiện thấy chất gây bệnh hay yếu tố nguy cơ đối với tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân (dấu hiệu cần tìm là không có hoặc rất thấp dưới ngưỡng quy định).

Xét nghiệm âm tính là gì

Ví dụ để dễ hiểu về âm tính và dương tính:

  • Âm tính với virus viêm gan siêu vi B: Không bị bệnh Viêm gan B
  • Dương tính với virus viêm gan siêu vi B: Bị bệnh viêm gan B

Thử máu có kết quả dương tính có làm sao không?

Như trên đã nói, kết quả xét nghiệm dương tính chỉ cho bạn biết bạn “có nguy cơ” chứ chưa thể khẳng định hoàn toàn. Với nhiều loại bệnh, xét nghiệm máu chỉ là xét nghiệm sàng lọc hay hỗ trợ chẩn đoán chứ không phải là xét nghiệm khẳng định.

Chẳng hạn, nếu xét nghiệm HBsAg cho kết quả dương tính thì chưa hẳn bạn đã bị viêm gan B mà chỉ mới nhiễm virus siêu vi B thôi, bởi trường hợp dương tính giả vẫn rất thường xảy ra (do kỹ thuật lấy máu, do mẫu thử quá nhạy, máy móc xét nghiệm…). Nếu bạn muốn biết chính xác mình có bị mắc bệnh không thì phải làm thêm các xét nghiệm khác.

Ngoài ra, khi bạn cần làm xét nghiệm để kiểm tra hiệu quả của tiêm vaccin thì kết quả dương tính lại đáng được mong đợi vì nó chứng tỏ có kháng thể chống lại virus viêm gan B. Điều đó đồng nghĩa với việc người đó có khả năng chống lại virus viêm gan.

Rất nhiều trường hợp khỏe mạnh tình cờ trong một lần xét nghiệm tổng quát và bị phán “dương tính” chẳng khác nào như án tử, khiến người bệnh chạy chữa lung tung, hiệu quả chưa thấy đâu chỉ thấy “hậu quả nhãn tiền”, tiền mất tật mang. Nguyên nhân là do kết quả “dương tính giả” vẫn thường xảy ra. Nhiều trường hợp đi xét nghiệm cả hai vợ chồng, chồng nhiễm HIV còn vợ thì không dù hai vợ chồng thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn. Điều này cần phải làm xét nghiệm ba lần bằng ba kỹ thuật khác nhau trên cùng một mẫu máu và nếu cả ba đều cho kết quả dương tính thì mới kết luận chắc chắn là dương tính.

Kết quả xét nghiệm máu không hẳn là đáng lo như bạn nghĩ. Ngay khi thấy có điều nghi ngờ, bạn nên kiểm tra nhiều lần để đảm bảo có kết quả chính xác nhất. Nếu cần, bạn có thể đến cơ sở khác uy tín hơn xét nghiệm để đối chứng.

(Sưu tầm)