Giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ

278
Hỏi: Giải pháp khắc phục tình trạng sản xuất, lưu hành trái phép bản ghi âm, ghi hình có nội dung ca múa nhạc, sân khấu; nhiều ca khúc, bản nhạc, vở diễn… bị phát tán tràn lan trên internet, mạng điện thoại di động… vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ (ĐBQH Nguyễn Trung Thu – Long An).

Giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ

Trả lời:
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trung Thu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tại Giấy ghi chất vấn số 128/SYCV-KH5 ngày 05/6/2013, nội dung như sau:
Một vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội từ nhiều năm nay đó là tình trạng sản xuất, lưu hành trái phép bản ghi âm, ghi hình có nội dung ca múa nhạc, sân khấu; nhiều ca khúc, bản nhạc, vở diễn… bị phát tán tràn lan trên internet, mạng điện thoại di động… vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết những giải pháp khả thi, hiệu quả để giải quyết vấn đề này?
Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
– Hiện nay, Bộ VHTTDL đã và đang chỉ đạo Thanh tra Ngành văn hóa, thể thao và du lịch (Tổ kiểm tra liên ngành 814) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, lưu hành trái phép, bản ghi âm, ghi hình có nội dung ca múa nhạc, sân khấu. Kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình có nội dung ca múa nhạc, sân khấu sao chép trái phép, vi phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan.
– Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Thông tư Liên tịch số 85/2008/TTLT-BVHTTDL-BTTTT ngày 18/12/2008 hướng dẫn về cấp phép, đăng ký, thực hiện quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính, xuất bản phẩm và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý hoạt động của các trang website trực tuyến. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết việc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ trong việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các Công ty điều hành website trong việc sử dụng các tác phẩm ca múa nhạc, sân khấu trên website để đảm bảo các tác phẩm công bố trên website đã được phổ biến tại Việt Nam và đã thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan. 

<

– Đối với việc sử dụng các tác phẩm ca múa nhạc, sân khấu trên mạng điện thoại di động, hiện nay cơ bản các nhà mạng đã có ý thức tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và ít xảy ra tình trạng vi phạm.
– Ngày 07/6/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Nội dung dự thảo Nghị định quy định mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm theo chiều hướng tăng nặng mức phạt, tương xứng với hành vi vi phạm góp phần hạn chế vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ.

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)