Hiểu sâu về bệnh thoái hoá cột sống thắt lưng ở người cao tuổi

527
Đau thắt lưng là hậu quả của quá trình thoái hóa cột sống thường gặp ở người cao tuổi. Hiện tượng đau là do tình trạng hư hỏng phần sụn đệm giữa các đốt sống thắt lưng kèm theo phản ứng viêm, làm giảm chức năng nâng đỡ cơ thể, đè ép vào các rễ thần kinh gây đau với nhiều mức độ khác nhau.
Bệnh không gây tử vong như tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng bệnh ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt do triệu chứng đau, tê, hạn chế cử động… Nếu không biết cách chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn tới tàn phế.

Bệnh thoái hoá cột sống thắt lưng ở người cao tuổi

Cột sống con người gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống lưng, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng và 5 đốt sống cụt. Chúng nối lại với nhau bằng 4 dây chằng: dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau, dây chằng vòng và dây chằng liên gai sống. 
Điểm đặc biệt trong cấu trúc của dây chằng dọc sau là có chứa nhiều thụ thể thần kinh cảm giác nên khi chạm vào đấy dễ gây đau. Do đó, chấn thương vùng cột sống không chỉ ảnh hưởng đến sự chuyển động và khả năng chống đỡ trọng lượng cơ thể mà còn có thể gây đau, mất cảm giác hoặc liệt ở phần cơ thể tương ứng.
Thoái hóa cột sống thắt lưng có hai thể bệnh: cấp tính và mạn tính. Thể cấp tính thường gặp ở nam giới, lứa tuổi từ 30 – 40. Do ngồi lâu, ngồi cong lưng, không đúng tư thế; do ảnh hưởng của sự mang vác nặng mà không đặt trọng lượng đều trên cả hai chân; hoặc chấn thương; tư thế ngồi hoặc đứng không hợp lý làm cơ căng mỏi và cuối cùng gây đau thắt lưng.
Đối với phụ nữ, đau thắt lưng còn liên hệ đến chu kỳ kinh nguyệt, thường đau thắt lưng trước khi hành kinh. Cơn đau xuất hiện sau một động tác mạnh, quá mức, đột ngột và trái tư thế. Thể cấp tính thường dễ điều trị, cần nằm nghỉ và điều trị vài ngày thì cơn đau giảm dần, khỏi sau 1 – 2 tuần, có thể hay tái phát. 
Còn thể mạn tính thường gặp ở người cao tuổi do ảnh hưởng của tuổi tác sẽ gây nên tình trạng đau, viêm và tê cứng. Hiện tượng này được xem như một phần của quá trình lão hoá dẫn đến thoái hóa khớp, viêm khớp, loãng xương, lao đốt sống, bệnh lý ác tính (như ung thư đốt sống,…). Ngoài ra, đau thắt lưng phần lớn còn do thoát vị đĩa đệm, gai cột sống,… Dấu hiệu thường gặp là đau âm ỉ vùng thắt lưng; không lan xa; đau tăng khi vận động, khi thay đổi thời tiết, hoặc nằm lâu bất động; đau giảm khi nghỉ ngơi. 

<

Vấn đề điều trị thoái hoá cột sống thắt lưng

Để điều trị, trong giai đoạn đau cấp cần dùng thuốc như giảm đau, kháng viêm, giãn cơ,… nhưng phải theo sự chỉ định của bác sĩ. Cần điều trị duy trì bằng phương pháp không dùng thuốc như khi đau lưng thì nên nằm nghỉ yên tĩnh, tránh nằm võng hay nệm mềm, nên nằm ngửa thả lỏng người thoải mái trên giường cứng. 
Tập vật lý trị liệu, kéo giãn cột sống, dùng phương pháp xoa bóp, chườm nóng (bằng bó nến, khay nhiệt điện, gối ấm điện,… hoặc bằng lá ngải cứu, cám rang, muối rang áp vào vùng thắt lưng đau). Riêng châm cứu, bấm huyệt và xoa bóp (không nên dùng dầu nóng, rượu mật gấu) có thể áp dụng nhưng cần tránh những động tác mạnh lên vùng bị đau sẽ làm bệnh tái phát do vận động quá mức.
Phòng bệnh đau thắt lưng do thoái hóa cột sống cần được thực hiện từ khi còn nhỏ, tránh lạm dụng lao động trẻ em, nên ăn uống đủ chất (nhất là canxi, vitamin D,…), học tập và thể dục thể thao đúng mức. 
Với người lao động trí óc (tại văn phòng), tài xế thì ngồi làm việc từ 1 – 2 tiếng phải nghỉ ngơi, đi lại thư giãn, làm vài động tác giãn cơ lưng. 
Với người lao động chân tay, không mang vác quá sức, không cúi lưng nhấc vật nặng, khi khuân vác phải đúng tư thế tránh tổn thương cột sống. Việc tập thể dục thường xuyên, dưỡng sinh, bơi lội cũng phòng ngừa tốt bệnh thoái hóa cột sống. Đặc biệt, với người thừa cân, cần giảm cân sẽ giúp giảm áp lực cho khớp và các đốt sống.
(Tổng hợp)