Cách hạch toán cho Trung tâm ngoại ngữ áp dụng theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC, cụ thể như sau:
1. Ngành dịch vụ “Dạy ngoại ngữ” có Doanh thu là tiền học phí; Chi phí chủ yếu là tiền lương của giáo viên, khấu hao TSCĐ; Dịch vụ mua ngoài (Điện, nước,…) và chi phí hành chính,…
=> Việc hạch toán khá đơn giản ta chỉ sử dụng tối đa khoảng 20 Tài khoản kế toán.
– Doanh thu phản ánh Bên Có TK 511, cuối tháng, quý, năm kết chuyển về Bên Có TK 911 để xác định lỗ lãi.
– Chi phí trực tiếp (Lương giáo viên, khấu hao, phân bổ CCDC,…) phản ánh Bên Nợ TK 154 => Cuối kỳ kết chuyển về Bên Nợ TK 632; Sau đó tiếp tục kết chuyển về Bên Nợ TK 911.
– Chi phí gián tiếp và chi phí chung phản ảnh Bên Nợ TK 642; Cuối kỳ kết chuyển về Bên Nợ TK 911.
– Nếu có một số Doanh thu, chi phí khác (Ngoài học phí) thì hạch toán vào các TK liên quan theo hướng dẫn trong Chế độ kế toán.
– Cuối kỳ xác định Kết quả kinh doanh bằng chênh lệch giữa Bên Có và Bên Nợ TK 911 để kết chuyển về TK 421.
2. Phương pháp kế toán chi phí hoạt động cung ứng dịch vụ
– Khi xuất vật liệu, công cụ sử dụng trực tiếp cho hoạt động cung ứng dịch vụ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 152, 153 (Nếu xuất kho vật liệu, công cụ ra sử dụng)
Có các TK 111, 112, 141, 331,… (Nếu vật liệu, công cụ mua ngoài đưa vào sử dụng ngay)
– Trường hợp công cụ, dụng cụ xuất dùng có giá trị lớn, sử dụng cho nhiều kỳ cung cấp dịch vụ thì phải phân bổ dần (Như thiết bị, máy móc không đủ tiêu chuẩn là TSCĐ,…). Khi xuất dùng, ghi:
Nợ TK TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn
Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ
Định kỳ, khi phân bổ chi phí công cụ, dụng cụ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn
– Tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản khác phải trả cho người lao động trực tiếp thực hiện dịch vụ và quản lý các khoa, phòng, ban, bộ phận, thực hiện dịch vụ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 334 – Phải trả người lao động
– Trích BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn tính trên tiền lương phải trả của người lao động trực tiếp thực hiện dịch vụ và quản lý các khoa, phòng, ban, bộ phận theo quy định của Nhà nước và theo cam kết của cơ sở ngoài công lập với người lao động, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (TK 3383, 3384, 3385)
– Trích khấu hao TSCĐ dùng cho hoạt động cung ứng dịch vụ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ
– Chi phí điện, nước, điện thoại, vệ sinh,… thuộc các khoa, phòng, ban, bộ phận thực hiện dịch vụ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
– Chi phí đào tạo bồi dưỡng người lao động, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, thuê địa điểm, trụ sở làm việc, chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác bằng tiền phục vụ trực tiếp cho hoạt động cung ứng dịch vụ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có các TK 111, 112, 331,…
– Trường hợp trả tiền thuê trụ sở, văn phòng làm việc phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ cho nhiều kỳ, kế toán phải phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ. Khi trả tiền, ghi:
Nợ các TK 242
Có các TK 111, 112
Khi phân bổ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có các TK 242
– Trường hợp cơ sở ngoài công lập có thực hiện hoạt động dịch vụ không thu tiền như khám và phát thuốc miễn phí, biểu diễn hoặc luyện tập thể thao miễn phí,… Chi phí cho các hoạt động này khi phát sinh, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (Nếu chi phí cho các hoạt động trên tính vào chi phí kinh doanh)
Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (Nếu chi phí cho các hoạt động trên lấy từ quỹ phúc lợi)
Có các TK 111, 112, 331,…
– Kết chuyển giá thành thực tế của khối lượng dịch vụ đã hoàn thành được xác định là tiêu thụ trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
(Nguồn Group Gia Đình Kế Toán)