Hướng dẫn thủ tục xin hồi hương về Việt Nam chi tiết

364

Để làm thủ tục xin hồi hương về Việt Nam thì cần có những giấy tờ và quy định gì liên quan? Hãy cùng xem các hướng dẫn thủ tục hồi hương chi tiết nhất.

Thủ tục xin hồi hương về Việt Nam

Chinh sach hoi huong Viet Nam

Hỏi: Tôi là Việt kiều Mỹ, đã về hưu, có một số thắc mắc về thủ tục xin hồi hương như sau…

– Tôi muốn xin chứng nhận công dân và đăng ký xin hồi hương về VN sinh sống, thì cần làm những thủ tục gì?

– Sau đó nếu tôi muốn trở qua Mỹ hay đi du lịch, vì vẫn còn hộ chiếu Mỹ còn hiệu lực, thì chỉ cần mua vé may bay là đi hay cần phải xin đăng ký xuất cảnh hoặc được phép của Bộ Ngoại giao Việt Nam?

Trả lời:

I/ Xin hồi hương về Việt Nam:

a. Điều kiện để được hồi hương:

Việt kiều muốn xin hồi hương về Việt Nam cần có đủ các điều kiện sau đây (Điều 2 Quyết định 875/TTG ngày 21/11/1996 về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về ViệtNam):

– Có quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam; nếu có quốc tịch Việt Nam, đồng thời mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;

– Thái độ chính trị rõ ràng: Hiện tại không tham gia hoặc ủng hộ các tổ chức chống phá Tổ quốc, không có hành động chống đối Chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;

– Có khả năng đảm bảo cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương;

Có một cơ quan hoặc thân nhân dưới đây bảo lãnh:

– Cơ quan bảo lãnh: Cơ quan cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo lãnh đối với các trường hợp xin hồi hương để tham gia xây dựng đất nước. Cơ quan bảo lãnh cần có văn bản khẳng định rõ người xin hồi hương có vốn đầu tư, có dự án khả thi hoặc tay nghề cao được cơ quan tiếp nhận làm việc và sẽ bố trí làm việc tương xứng với học vấn, tay nghề của người đó.

– Thân nhân ở Việt Nam bảo lãnh cần đáp ứng những điều kiện sau:

. Là người đủ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam, không bị mất hoặc bị hạn chế quyền công dân.

. Có quan hệ cùng dòng tộc với người được bảo lãnh, gồm quan hệ vợ chồng, cha, mẹ, con, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cô, bác, chú, dì nội ngoại.

. Bảo lãnh đối với các trường hợp xin hồi hương vì mục đích đoàn tụ gia đình và nhân đạo như: bảo đảm về nơi ăn ở, việc làm (nếu còn sức lao động), nơi nương tựa (nếu tuổi già sức yếu)…

Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục, chính sách Việt kiều Mỹ xin hồi hương Việt Nam

b. Thủ tục hồi hương:

Theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 875/TTg, mục II Thông tư liên tịch số 06/TT-LT, điểm 2 Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BCA-BNG, bạn cần lập 02 bộ hồ sơ xin hồi hương, mỗi bộ gồm:

1. Đơn xin hồi hương (theo mẫu).

2. Bản chụp hộ chiếu, các giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam và giấy tờ chứng minh được nước ngoài cho định cư, như giấy tờ cho phép cư trú vô thời hạn hoặc cư trú vĩnh viễn hoặc thường trú (dưới đây gọi chung là giấy tờ định cư):

– Đối với người xin hồi hương mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị:

§ Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu;

§ Bản chụp giấy tờ định cư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

– Đối với người xin hồi hương mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài còn giá trị:

§ Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu;

§ Bản chụp Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

– Đối với người xin hồi hương không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu của Việt Nam hoặc của nước ngoài như nêu trên:

§ Bản chụp giấy tờ định cư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

§ Bản chụp Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Bản chụp giấy tờ định cư phải do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài xác nhận; bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu, Giấy xác nhận đăng ký công dân, Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam phải do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công chứng hoặc chứng thực.

Trường hợp bạn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an thì không đòi hỏi nộp bản sao có công chứng, chứng thực, mà cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu với bản chụp, cán bộ đối chiếu phải ghi vào bản chụp đó “đã đối chiếu với bản chính” và ký, ghi rõ họ tên, ngày đối chiếu”.

3. 03 ảnh cỡ 4×6 mới chụp, 02 ảnh dán vào đơn xin hồi hương, 01 ảnh ghi rõ họ tên (mặt sau) để phục vụ cho cấp giấy Thông hành (nếu được hồi hương).

4. Giấy tờ khác liên quan đến việc xin hồi hương, cụ thể:

– Trường hợp bạn được thân nhân bảo lãnh:

Đơn bảo lãnh của thân nhân (theo mẫu).

Giấy tờ chứng minh hoặc giải trình về mối quan hệ cùng dòng tộc với người bảo lãnh. Nếu là bản giải trình phải có xác nhận của UBND phường (hoặc xã) nơi người bảo lãnh thường trú.

Giấy tờ chứng minh về khả năng đảm bảo cuộc sống sau khi hồi hương.

– Trường hợp bạn được Cơ quan Việt Nam bảo lãnh: Cần có văn bản bảo lãnh (có ký tên, đóng dấu) của thủ trưởng cơ quan bảo lãnh đáp ứng các yêu cầu tại điểm d mục 1 nêu trên.

Xem thêm: Chính sách, thủ tục việc Việt kiều nhập xe điện hồi hương

* Hồ sơ xin hồi hương nộp tại một trong hai cơ quan sau:

– Tại nước ngoài: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài.

– Tại Việt Nam: Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Sở công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời hạn giải quyết việc hồi hương: trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bộ Công an Việt Nam.

Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh – Bộ Công an sẽ thông báo kết quả giải quyết hồ sơ xin hồi hương cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (qua Fax), Bộ Ngoại giao, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp nộp hồ sơ xin hồi hương tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Với trường hợp nộp hồ sơ ở trong nước, các cơ quan nói trên sẽ thông báo cho thân nhân (người bảo lãnh) hoặc thông báo cho người hồi hương.

Xem thêm: Chính sách miễn thuế đối với ôtô nhập về Việt Nam dưới dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương

II/ Xuất cảnh sau khi hồi hương về Việt Nam

Trong trường hợp sau khi hồi hương về Việt Nam, bạn muốn xuất cảnh sang Mỹ bằng hộ chiếu Mỹ: Theo quy định tại điều 4 Pháp lệnh số 24/1999/PL-UBTVQH 10 về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, bạn làm thủ tục xin cấp thị thực dành cho cho đối tượng là người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thị thực bạn mới được phép xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam.

Quy định này chỉ áp dụng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh từ Việt Nam, riêng quy định về thủ tục nhập cảnh sang Mỹ bạn phải tuân theo pháp luật của nước đó.

(Sưu tầm – quehuongonline.vn)