Len lét như “rắn” mồng 5 nghĩa là gì? Rắn hay thằn lằn?

1228

Các bạn thường nghe nói câu Len lét như rắn mồng năm, với nghĩa “chỉ ai đó tỏ ra sợ sệt như là mình vừa làm điều gì đó không tốt mà cứ tưởng là người khác đã biết (nên lo sợ).

Tuy nhiên nhiều bạn cũng thắc mắc: “mồng năm” đây có phải là vào ngày “mồng 5 tháng năm” Tết Đoan Ngọ không ạ? Tại sao vào ngày này lũ rắn lại tự nhiên sợ hãi đến nỗi phải “len lét” như vậy? Theo lời cô giáo, thì dân gian đã nói nhầm, con vật phải sợ ở đây là thằn lằn chứ không phải rắn.

Tại sao lại Len lét như rắn mồng 5 chứ không phải ngày khác?

Theo dân gian ta, ngày mồng năm tháng năm âm lịch, còn gọi là Tết Đoan Ngọ, là ngày “diệt sâu bọ”. Người ta làm bánh trái, đồ xôi, nấu chè, bày hoa quả cúng tế để tẩy trừ “sâu bọ” có hại cho cây cối, mùa màng và đời sống nói chung. Bây giờ, cứ đến ngày mồng 5 tháng năm âm lịch, từ sáng sớm, chúng ta đã nghe tiếng rao mời mua hoa quả, rượu nếp cái… vang lên khắp ngõ xóm, phố phường. Các cụ thường giục con cháu dậy, phải “tịnh tâm”, chưa ăn sáng vội mà phải ăn chút rượu cái với vài thứ quả (mận, vải, đào,…) để “giết giun sán, sâu bọ”.

Không rõ là Tết “diệt sâu bọ” ở xứ ta và ngày giỗ Khuất Nguyên (vào ngày Đoan Ngọ) ở bên Trung Quốc liên quan tới nhau không, riêng ở Việt Nam ta thì theo tục truyền rằng, ngày xưa, người Việt cổ, vào ngày 5 tháng năm thường đi tìm rắn để giết vì rắn rết dù là loài bò sát nhưng vẫn bị coi là sâu bọ tai ác.

Khi vụ chiêm đến, thời tiết sang hè ấm áp, rắn rết thường bò khỏi hang để kiếm mồi. Vì vậy mà bị người phát hiện, tìm diệt, cứ là loài bò sát là bị dân tình đuổi giết. Dân gian còn cho rằng, riêng trong ngày mùng 5 tháng năm, tất cả các con rắn đều nép mình ở trong hang không dám ngóc đầu lên (len lét) vì sợ bị giết chết. Ngày này, người ta nói rắn rất sợ người và trốn đi biệt tăm hết cả. Nhất là đến giờ ngọ, khó mà nhìn thấy một con rắn nào bén mảng ra cánh đồng hay vào thôn xóm nào đó.

Và có một điều thật oái oăm, anh chàng thằn lằn vốn hiền lành chịu khó, chẳng làm hại ai cũng chịu cảnh “nỗi oan” tận diệt đó:

Đảo chân ai chẳng dám chầy,

Thằn lằn len lét ẩn ngày mùng năm.

(Thiên Nam ngữ lục)

Vậy tại sao người xưa lại nghĩ đến chú thằn lằn chứ không phải rắn khi nhắc đến câu thành ngữ này?

Câu thành ngữ này còn một biến thể, xuất xứ từ một câu chuyện cổ.

Theo “Truyện cổ nước Nam” (của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, in năm 1932, tái bản 1989), ngày xưa có một anh chàng nọ, bố mẹ rất giàu có. Nhưng chính vì thế mà chàng ta trở nên lười nhác, chỉ quen ăn chơi mà chẳng chịu lao động gì cả. Sau khi cha mẹ qua đời, chàng ăn tiêu thái quá, gia tài dần khánh kiệt. Quen thói “bốc giời”, chàng ta bèn đi vay mượn lung tung, để rồi mắc nợ, không sao trả được.

Bị chủ nợ đòi riết, khất lần khất hồi mãi không được, anh ta bèn liều hứa lần cuối cùng là đúng ngày Tết Đoạn Ngọ “mùng năm tháng năm” thì sẽ trang trải hết. Y hẹn, đúng ngày này, các chủ nợ ùn ùn kéo tới. Nhưng đào đâu ra tiền bây giờ? Cùng đường, anh ta vội vàng trốn biệt vào một bụi cây rậm rạp. Thế rồi, chàng lười kia chết rục trong đó, cái hồn hoá thành một chú thằn lằn, thỉnh thoảng lại tắc lưỡi kêu trời than thân trách phận.

Từ sự tích này mà dân gian có câu “Thằn lằn mồng năm”, “Trốn như thằn lằn mồng năm” hay “Len lét như thằn lằn mồng năm”. Không biết có phải là vì “thương tình” lũ thằn lằn vốn dĩ hiền lành, không biết làm hại ai mà người ta đổi vai “thằn lằn” cho lũ “rắn” (cũng là giống bò sát nhưng rắn bị người đời ghét bỏ, muốn trừ khử) thành câu “Len lét như rắn mồng năm”.

Bây giờ, thành ngữ Len lét như rắn mùng năm chỉ diện mạo, thái độ hay cách thức ứng xử của những ai đó hay sợ sệt (có thể vì một lí do nào đấy):

“Cái nhà bác phó cạo tội nghiệp ấy, khi đi làm thì “thiên hô bát xát” một tấc đến giời, về đến nhà, trước mặt vợ len lét như rắn mùng năm” (Kim Lân, Con chó xấu xí).

Thường đó còn dùng chỉ thái độ của những người nhu nhược, sợ những người cấp trên có quyền hành hoặc những người nắm sinh mệnh (kinh tế, chính trị) của mình một cách trực tiếp. Ta hãy xem cảnh đám cường hào làng Đông Xá (trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố) đang hầu quan huyện về “thăm”:

“Phó hội, thủ quỹ đối chọi nhau với thư kí, chưởng bạ, mỗi người khoanh tay đứng dựa một cột, dáng điệu len lét như rắn mùng năm” .

Có lẽ hiện giờ, câu thành ngữ len lét như rắn mùng năm chỉ còn là… thành ngữ. Cũng bởi các loài thằn lằn, rắn rết đã ít đi nhiều. Nếu có chú nào xuất hiện thì hoặc bị đánh chết, hoặc bị tóm bán cho các nhà hàng đặc sản. Vậy thì chả cần đến mồng 5 tháng năm, ngày nào trong năm loài bò sát này cũng sẽ “len lét” cả.

(Sưu tầm)