Mẹo tăng chiều cao khi đã qua tuổi dậy thì

262

[Hỏi] Em 17 tuổi, con trai nhưng chỉ cao 1,56 m, hai năm gần đây hầu như không cao thêm chút nào. Em lo sợ mình sẽ lùn vì hiện nay bạn bè toàn từ 1,65 m trở lên.

Mẹo tăng chiều cao khi đã qua tuổi dậy thì

Trà lời: Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới thì nam giới 17 tuổi có chiều cao trung bình là 1m75. Công bố gần đây nhất của Viện Dinh Dưỡng quốc gia cho thấy chiều cao người Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á.

Trong 10 năm, người Việt Nam chỉ cao thêm được một cm. Hiện nay, nam giới trưởng thành ở nước ta chỉ cao trung bình là 1,64 m, nữ 1,53 m. So với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8 cm. Người Việt Nam kém người Trung Quốc 7 cm, kém Thái Lan và Singapore khoảng 5-6 cm. So với chiều cao trung bình của người Việt Nam thì chiều cao của bạn vẫn thiếu rất nhiều.

Quá trình phát triển chiều cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó hai yếu tố cơ bản là di truyền (giới, chủng tộc, yếu tố gene) và môi trường (bà mẹ, điều kiện kinh tế, khí hậu, hoạt động thể chất, stress và quan trọng là yếu tố dinh dưỡng).

Như vậy, gene di truyền là yếu tố quan trọng quyết định chiều cao, nghĩa là chiều cao của bạn còn phụ thuộc vào chiều cao của bố mẹ. Quá trình phát triển chiều cao thường tăng nhanh trong 3 năm đầu đời, sau đó đến tuổi dậy thì đối với nam giới 13-17 tuổi lại có sự tăng vọt về chiều cao, trong thời gian này có năm có thể tăng 8-10 cm. Sau tuổi dậy thì, chiều cao mỗi năm chỉ tăng khoảng một cm và đến 18 tuổi thì có thể dừng lại (vì trong thực tế vẫn có người tiếp tục phát triển). Vì vậy bạn vẫn có cơ hội để cải thiện chiều cao của mình thông qua các yếu tố về dinh dưỡng, tập luyện, ăn ngủ điều độ…

Về chế độ dinh dưỡng, bạn cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm gồm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong khẩu phần ăn, tăng cường tôm, cua, cá và đặc biệt nên uống mỗi ngày 400-500 ml sữa để bổ sung canxi giúp cho sự phát triển của hệ xương. Bổ sung thêm vitamin A, kẽm cũng góp phần kích thích phát triển chiều cao.

– Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn cần ăn, ngủ điều độ. Không nên bỏ bữa, đặc biệt bữa ăn sáng rất quan trọng cho một ngày mới. Buổi tối nên đi ngủ trước 10h.

Bên cạnh đó, chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên cũng ảnh hưởng đến hệ xương của cơ thể. Những người hoạt động thể thao thường xuyên cũng có chiều cao tăng hơn so với những người ít vận động. Tập luyện bằng các hình thức như thể dục buổi sáng dưới ánh nắng nhẹ trước 9h, đi bộ, đi xe đạp, chơi cầu lông, đu xà, bơi lội… là những môn cũng có tác dụng thúc đẩy phát triển chiều cao.

Chúc bạn thành công.

(Theo Vnexpress

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi

Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội)