Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này không quy định về thời gian cư trú tại Việt Nam của người nước ngoài là bao lâu thì được quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Như vậy, trường hợp người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, nếu đáp ứng đủ các điều kiện về thủ tục theo pháp luật quy định đều có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
Luật Lý lịch tư pháp cũng không quy định những trường hợp cụ thể người nước ngoài cần phải có Phiếu lý lịch tư pháp. Các trường hợp mà người nước ngoài phải có Phiếu lý lịch tư pháp khi tham gia vào các quan hệ xã hội hoặc thực hiện các thủ tục hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Nuôi con nuôi, Luật Quốc tịch Việt Nam, pháp luật về lao động nước ngoài tại Việt Nam…
Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, ngoài văn bản đề nghị cấp giấy phép, giấy chứng nhận sức khỏe còn phải có “văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài có giá trị trong thời hạn 06 tháng, tính đến thời điểm nộp hồ sơ”.
Nội dung này đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH ngày 20/01/2014 của Bộ Lao động –Thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 102/2013/NĐ-CP, theo đó “văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP, thực hiện như sau:
a) Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì phải có Phiếu lý lịch tư pháp do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cấp hoặc trường hợp đang cư trú tại Việt Nam phải có Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp và văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
b) Trường hợp người lao động nước ngoài chưa từng cư trú tại Việt Nam thì phải có văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.”
Có thể thấy, quy định người nước ngoài phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian cư trú tại Việt Nam để xin cấp phép lao động là cần thiết. Tuy nhiên, việc không quy định thời gian cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là bao lâu thì mới cần có Phiếu lý lịch tư pháp doTrung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp cấp đã thực sự gây khó khăn cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Thời gian qua, một số người nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian rất ngắn (2, 3 ngày hoặc có thời gian cư trú không liên tục, mỗi lần chỉ một vài ngày) đã đến Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp để yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam. Thực tế này đã gây khó khăn cho lao động nước ngoài tại Việt Nam, gây lãng phí về thời gian cũng như vật chất không cần thiết. Thực tế giải quyết cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam rất ngắn (vài ba ngày) cho thấy những trường hợp này thường không có án tích vì nếu họ có phạm tội thì khoảng thời gian tối thiểu của một quy trình tố tụng (từ điều tra, truy tố, xét xử) cũng phải là vài tháng.
Để tạo điều kiện thuận lợi và tránh gây lãng phí về thời gian và vật chất không cần thiết cho lao động nước ngoài trong việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép lao động và các thủ tục hành chính khác…, cần nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung vấn đề điều kiện về thời gian cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là bao lâu thì mới cần có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, đặc biệt là trong trường hợp xin giấy phép lao động tại Việt Nam. Nên chăng quy định này sửa đổi theo hướng trong hồ sơ xin giấy phép lao động tại Việt Nam, ngoài Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan của nước mà người nước ngoài là công dân hoặc cư trú trước khi đến Việt Nam cấp, trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 03 hoặc 06 tháng trở lên mới cần có Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
(Tổng hợp)