Các bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên ở Hà Nội đã biết hết những địa điểm, thư viện hay lý tưởng cho việc học tập, đọc sách chưa? Mời các bạn đọc bài viết của 1 bạn tổng hợp, sưu tầm những địa điểm đó nhé.
[Sưu tầm] Những Địa chỉ Học tập/Đọc sách Lý tưởng ở Hà Nội
(Nguồn tại đây)
Một số tổng hợp từ nhiều nguồn về địa chỉ bỏ túi dành cho các bạn trẻ ham đọc sách ở Hà Nội. Mình xin cảm ơn những người đã trực tiếp đi đến từng địa điểm để viết review khá chi tiết như phía dưới (nếu tác giả là bạn, có thể inbox mình để ghi credits nhé).
Mình cũng xin phép vì có chèn thêm link fanpage của một số nơi để các bạn trẻ tìm hiểu thêm, hay link Google Map để tìm đường đi cho tiện.
Nếu bạn thấy hữu ích cho bản thân hay cho bạn bè, có thể share tới nhiều người để cùng biết. Nếu bạn biết bất cứ thư viện, địa điểm nào phù hợp, comment để mình bổ sung thêm vào danh sách này nhé
1. Trung tâm Văn hóa Việt – Mỹ (Vietnam – American Center)
Nằm ở tầng 1 tòa Vườn Hồng (Rose Garden), số 170 Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, American Center là địa chỉ lí tưởng cho các bạn trẻ muốn tìm một nơi có đầy đủ trang thiết bị và điều kiện cần thiết cho việc học tiếng Anh. Đây là trung tâm được tài trợ bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Website: http://vietnam.usembassy.gov/americancenter.html
Thư viện Mỹ mở cửa: Từ thứ 2 đến thứ 6, sáng từ: 8h30 – 12h, chiều từ: 13h30 – 18h.
Nếu bạn đi xe máy thì có thể gửi tại cửa hàng Viettel phía đối diện, trên đường Ngọc Khánh.
Tòa nhà này là bộ phận lãnh sự của sứ quán Mỹ, do vậy bạn sẽ qua security check và nhớ đem theo ID card, hoặc thẻ sinh viên. Khi vào tầng 1, bạn để hành lý vào tủ đồ và giữ lấy chìa khóa của mình. Một điều cần nhớ nữa là bạn không được mang sách in vào American Center và chỉ được mang laptop, vở, nháp. Nếu có gì thắc mắc ngay lối vào sẽ có một quầy tiếp tân để hướng dẫn nhiệt tình cho các bạn.
Bước vào American Center, bạn sẽ thấy rất hài lòng với không gian nơi đây, cực kì rộng rãi, sáng sủa và yên tĩnh với các giá sách dày đặc. Các giá sách được sắp xếp khoa học, ở giữa là ghế ngồi rộng rãi thoải mái. Không gian có điều hòa, rất lí tưởng cho mùa hè vừa học vừa tránh nóng, còn có cả CNN và các tai nghe Bluetooth cho các bạn luyện nghe, nếu cần dùng, các bạn có thể đến quầy tiếp tân để hỏi mượn. Tất cả đều miễn phí
Thư viện có một khối lượng sách khổng lồ, khoảng 4000 đầu sách và tạp chí. Sách ở đây thuộc nhiều thể loại, phục vụ cho các mục đích khác nhau: có sách, tiểu thuyết, truyện tiếng Anh để giải trí; có sách dành cho việc luyện thi TOEIC, IELTS, TOFEL; các sách trau dồi kĩ năng tiếng Anh, các tư liệu về trường đại học của Mỹ, tài liệu về chính trị, luật pháp Mỹ, các tạp chí nổi tiếng của Hoa Kỳ… được cập nhật thường xuyên. Ngoài sách dành cho các bạn học sinh, sinh viên còn có cả sách dành cho trẻ em, phục vụ cho nhiều lứa tuổi.
Không chỉ giúp bạn rèn luyện các kĩ năng đọc, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, thư viện còn trang bị một phòng thực hành tiếng Anh hiện đại với 10 máy tính có cài sẵn các thể loại phim tiếng Anh, các bài test nghe chất lượng. Ngay cạnh đó là một khu vực tự học với 16 chiếc iPad có sách điện tử, các trò chơi bổ ích cho việc học ngoại ngữ.
Đến đây tự học, các bạn có cơ hội được giao lưu, học hỏi, tranh luận bằng tiếng Anh với các bạn trẻ yêu thích học ngoại ngữ thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, buổi xem và thảo luận phim, hay các câu lạc bộ tiếng anh, các cuộc thi do thư viện tổ chức. Ngoài ra, bạn cũng được tiếp xúc với những thầy giáo, khách mời nước ngoài thông qua các buổi hội thảo để rèn luyện khả năng nghe, nói, phản xạ như người bản xứ. Các bạn sẽ được nói thả phanh, tranh luận và rèn luyện sự tự tin, đây là một môi trường rất tốt cho những ai còn e dè trong việc nghe nói tiếng Anh.
2. Thư viện Goethe (thuộc viện Goethe)
Nếu bạn đang muốn tìm một nơi để tự học tiếng Đức thì thư viện Goethe là địa chỉ bạn không thể bỏ qua. Thư viện Goethe nằm ở số 56-58 đường Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội (Google Map).
Fanpage: https://www.facebook.com/Goethe.Ins
Viện Goethe là một tổ chức văn hóa của Cộng hòa Liên bang Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới, có phân viện tại 13 thành phố ở Đức và 128 thành phố nước ngoài. Viện Goethe hỗ trợ việc phổ cập tiếng Đức ở nước ngoài và thúc đẩy sự hợp tác về giao lưu văn hóa quốc tế, đồng thời góp phần phổ biến văn hóa Đức, giới thiệu bức tranh toàn cảnh về nước Đức cho mọi người.
Đến với Goethe chắc hẳn bạn sẽ rất bất ngờ. Một thư viện mà được chăm chút đẹp đẽ từ ngoài vào trong khiến nhiều người nhầm tưởng là một quán cà phê sách. Thư viện có cả bàn lục giác dùng cho việc học nhóm và bàn riêng cho cá nhân. Phòng học cực kì thoáng đãng, được trang bị đầy đủ đèn chiếu sáng thuận lợi cho việc học tập.
Các tài liệu ở đây chủ yếu phục vụ cho việc học tiếng Đức từ cơ bản đến nâng cao. Goethe có đủ mọi loại sách và tạp chí cho bạn tìm hiểu về đời sống chính trị, xã hội, văn hóa của nước Đức. Bên cạnh các sách về nước Đức, các bạn cũng có thể tìm thấy ở đây những cuốn sách văn học nổi tiếng đoạt giải Nobel. Ngoài ra, thư viện còn đáp ứng cho việc phục vụ cho các độc giả nhí với các cuốn sách dành cho trẻ em.
Thư viện cũng có các DVD cho các bạn luyện nghe với các nội dung thú vị về văn hóa Đức cùng với 5 iPad cho bạn lướt web, xem phim ngoại ngữ, tìm tài liệu.
Không có quá nhiều các sự kiện được tổ chức hàng tuần như thư viện Mỹ nhưng thư viện Goethe cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng và tư vấn cho giáo viên, học viên tiếng Đức, chủ yếu các bạn trẻ đến đây để giao lưu, học hỏi lẫn nhau qua các buổi học nhóm. Ngoài ra, nếu bạn có hứng thú với các hoạt động văn hóa thì hãy theo dõi và cập nhật những buổi triển lãm, liên hoan âm nhạc được tổ chức thường xuyên ở viện.
Thư viện còn dành một khu riêng với không gian cực kì xinh xắn cho mọi người thưởng thức trà nước, thư giãn và trò chuyện. Một không gian mở ngoài trời với những chậu cây cảnh, hoa tươi, những giỏ phong lan ngát hương không kém phần lãng mạn so với những quán cà phê sang trọng.
Đến đây, mỗi học viên sẽ phải đóng 150k/ năm, so với những tiện nghi và chất lượng sách của thư viện, mức giá này không hề đắt.
3. Japan Foundation
Địa chỉ: 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Google Map)
Giờ mở cửa: sáng 09:30 – 12:00/ chiều 13:00 – 18:00 – từ Thứ Ba đến Thứ Bảy.
Tuy nhiên, các bạn cũng nên theo dõi thêm lịch hoạt động của thư viện nhé.
Fanpage: https://www.facebook.com/japanfound
Japan Foundation là thư viện nằm trong khuôn viên của trung tâm giao lưu văn hóa Việt – Nhật cho dành các bạn trẻ yêu thích xứ sở hoa anh đào. Các bạn có thể tìm thấy ở đây rất nhiều danh mục sách liên quan đến Nhật Bản, đất nước, con người nơi đây. Sách chuyên ngành, tạp chí hay DVD tại đây khá phong phú, bạn có thể đọc tại chỗ và sử dụng wifi miễn phí.
Trung tâm có diện tích không lớn nhưng tạo được cảm giác thoải mái cho người đọc vì sự yên tĩnh, có những bàn riêng để bạn tự học hoặc đọc sách báo. Có thể do số lượng bạn trẻ học tiếng Nhật không nhiều như tiếng Anh nên trung tâm thường không quá đông như tại American Center. Bạn có thể thấy thoải mái hơn khi đọc sách ở đây.
Đọc sách tại thư viện là hoàn toàn miễn phí và bạn cũng có thể đăng ký làm thẻ thành viên để mượn sách về nhà.
Đến thư viện, bạn không chỉ được đọc sách mà còn có thể tham dự rất nhiều các sự kiện phong phú để tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản như: đêm nhạc jazz, giao lưu trà đạo, buổi học làm bánh bằng tiếng Nhật,…
4. Trung tâm văn hóa Hàn Quốc
Địa chỉ: Số 49 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Google Map)
Đây sẽ là địa chỉ tuyệt vời cho những ai đam mê văn hóa Hàn Quốc hoặc đang học tiếng Hàn. Thư viện trung tâm không quá rộng nhưng đủ cả sách, báo, ảnh, CD về văn hóa, điện ảnh Hàn Quốc. Không gian trung tâm văn hóa Hàn Quốc cũng được trang trí theo phong cách ấm áp, gần gũi, ngoài ra, bạn còn có thể gặp gỡ, giao lưu với người Hàn Quốc để nâng cao trình độ ngôn ngữ của mình.
5. Thư viện Hà Nội
Thư viện Hà Nội mở cửa từ 8h -17h các ngày trong tuần. Phòng đọc và phòng mượn mở thông từ 8h15 – 19h15.
Địa chỉ: số 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Google Map)
Thư viện Hà Nội được thành lập ngày 15/10/1956 với tên gọi ban đầu là “Phòng đọc sách nhân dân”. Từ mặt bằng khiêm tốn 300m2 ban đầu, sau nhiều lần được thành phố đầu tư nâng cấp đến nay Thư viện Hà Nội đã có diện tích sử dụng là 2.500m2.
Có lịch sử tồn tại lâu đời nên thư viện thành phố được coi là một kho tàng thư tịch đồ sộ của người dân thủ đô với lượng sách cực kì lớn, có thể tìm thấy cả những cuốn sách rất cổ và quý hiếm tại đây. Tất thảy có khoảng 300 ngàn bản sách; 436 loại báo, tạp chí; hơn 1 vạn tư liệu địa chí với phòng tra cứu, phòng địa chí về Thăng Long – Hà Nội. Trong kho sách có vài ngàn bản tư liệu Hán – Nôm, các loại sách ngoại văn, các bản đồ cổ, ảnh Hà Nội xưa và nay rất quý hiếm. Điều đặc biệt là thư viện còn phục vụ cho cả những người khiếm thị với hơn 2 nghìn sách chữ nổi.
Với những đặc điểm này, thư viện thành phố phù hợp cho việc học tập và nghiên cứu của rất nhiều người ở mọi lứa tuổi. Các cụ lớn tuổi thích đến đây nghiền ngẫm sách lịch sử, địa lí,…; những người nghiên cứu khoa học đến đọc và tìm hiểu từ những tư liệu quý; các bạn trẻ đến đây có thể đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu hoặc mang sách vở vào đây tự học trong không gian yên tĩnh, thoáng mát.
Thư viện có một lượng sách báo đồ sộ như vậy nhưng được sắp xếp rất khoa học với hệ thống mục lục hoàn chỉnh nên rất thuận lợi cho việc tìm kiếm.
Với diện tích rộng lớn lại có rất nhiều phòng khác nhau, thư viện còn là trung tâm của rất nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa đọc. Những cuộc tuyên truyền, giới thiệu sách báo, chuyên đề vẫn được tổ chức thường xuyên tại đây, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Ngoài cơ sở tại Bà Triệu, Thư viện Hà Nội cũng có trụ sở tại số 2B Quang Trung, Hà Đông để thuận tiện cho những bạn ở xa trung tâm thành phố.
6. Thư viện quốc gia
Địa chỉ: số 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Google Map)
Chỉ cần mang chứng minh nhân dân để làm thẻ và 120k mỗi tháng là bạn đã có thể coi thư viện quốc gia như một địa chỉ ruột hàng tuần để đến học tập, nghiền ngẫm sách báo.
Thư viện khá rộng rãi, thoáng mát, có hệ thống cây xanh, vườn hoa hai bên đường đi nên đây không chỉ là địa chỉ để bạn tìm đến đọc sách, tra cứu tài liệu mà còn được thư giãn, hít thở bầu không khí trong lành.
Cơ sở vật chất ở đây khá xứng tầm với một thư viện quốc gia. Thư viện được trang bị một hệ thống trang thiết bị tương đối hiện đại và đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu đọc của đông đảo người dân, như: các phòng phục vụ bạn đọc, phòng làm việc cán bộ; hệ thống kho tàng, thiết bị bảo vệ, kiểm soát: camera, hệ thống máy móc phục vụ công tác bảo quản, phục chế tài liệu, số hóa tài liệu,…
Lượng sách báo ở đây cũng cực kì phong phú và được cập nhật thường xuyên, với nhiều thể loại khác nhau được sắp xếp khoa học, dễ dàng tìm đầu sách qua hệ thống máy tính.
Thư viện còn trang bị thêm cả 40 máy tính, được kết nối internet và 30 chỗ ngồi dành cho những bạn sử dụng laptop.
7. Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương
Địa chỉ: 24 Lí Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Google Map).
Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương trực thuộc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia mà tiền thân là Thư viện của Học viện Viễn đông Bác cổ có lịch sử lâu đời, do Nhà nước đô hộ Pháp thành lập năm 1901 chuyên nghiên cứu về Viễn đông và Đông dương. Vì vậy, đây là một thư viện có tên tuổi, được giới khoa học biết đến rộng rãi.
Với nhiều năm phát triển, thư viện KH&KTTW đã xây dựng được một nguồn tri thức lớn về khoa học và công nghệ lớn nhất Việt Nam, bao quát hầu hết các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy ở đây những cuốn sách quý hiếm về Đông phương học, khoa học xã hội phong phú, những tài liệu Hán Nôm lâu đời của các làng Việt cổ, kho tàng tư liệu sách và ảnh về Việt Nam, Đông dương, các nước Trung, Nhật, Pháp cho bạn tìm về lịch sử lâu đời của dân tộc. Với một kho tàng tri thức đồ sộ như vậy, tất cả mọi người đam mê và muốn tìm hiểu sâu về khoa học kĩ thuật cũng như khoa học xã hội đều có thể khai thác một nguồn tài liệu rất lớn ở đây.
Ngoài ra còn rất nhiều tài nguyên sách và tạp chí với gần 500.000 đầu sách, hơn 2000 loại báo và tạp chí được cập nhật thường xuyên, có cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài phục vụ việc học ngoại ngữ.
8. Thư viện truyện tranh Asianbeat
Thư viện chỉ mở cửa vào chiều thứ 5, sáng thứ 3 và thứ 7 hàng tuần. Sáng mở từ 8h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 16h30.
Thư viện trực thuộc trung tâm Asianbeat, nằm tại tầng 6, tòa nhà H&N số 329-331, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội (đối diện Hoa Binh Tower – Google Map). Là một thư viện còn rất “trẻ”, mới mở cửa từ tháng 1 năm 2015 nhưng nơi đây đã được khá nhiều bạn trẻ biết đến và có sức hút không hề nhỏ.
Dành cho các bạn trẻ đam mê truyện tranh – các Otaku của Việt Nam, thư viện Asianbeat sẽ là nơi lí tưởng với hình thức hoạt động miễn phí, nhằm quảng bá văn hóa Nhật rộng rãi với nhiều người. Phục vụ hoạt động đọc miễn phí nhưng chất lượng truyện ở đây không hề thấp. Ở đây có hơn 500 đầu truyện tranh và tạp chí Nhật Bản, đều là những ấn phẩm độc và nguyên gốc khiến nhiều bạn trẻ thích mê. Các thể loại truyện tranh đều được cập nhật thường xuyên, là những cuốn được yêu thích, đáp ứng thị hiếu đọc của các Otaku như: One Piece, Naruto, Doraemon, Shin-cậu bé bút chì, ….
Thư viện còn có các bộ truyện tranh nguyên tác tiếng Nhật, cũng khá thích hợp cho những bạn muốn rèn luyện khả năng tiếng Nhật qua sách truyện.
Chất lượng sách tốt, không gian ở đây cũng rất “yêu” nhé. Do mới mở nên các trang thiết bị còn rất khang trang, mới mẻ, có không gian thoáng đãng và đầy đủ bàn ghế cho các bạn ngồi đọc. Xung quanh còn có các đồ trang trí rất đáng yêu, các sản phẩm gấp giấy origami thể hiện rõ nét văn hóa Nhật Bản.
9. Thư viện Bfree
Đúng như tên gọi, Bfree là thư viện hoạt động đọc và mượn sách miễn phí với tinh thần thư viện cộng đồng. Thư viện là ý tưởng táo bạo của chàng trai trẻ Nguyễn Trường Giang, quê ở Vĩnh Phúc với mong muốn mang tri thức đến gần hơn với những người say mê sách.
Thư viện nằm trên tầng 2, số 12/36 đường Duy Tân, Dịch Vọng, Cầu giấy, Hà Nội (Google Map).
Mặc dù có quy mô chưa thực sự lớn nhưng thư viện cũng có tới trên 1000 đầu sách với nhiều thể loại phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu, giải trí như: sách văn học, chính trị, kinh tế, ngoại ngữ,…Nguồn sách ở đây hầu hết đều có từ sự đóng góp của cộng đồng thông qua sự chia sẻ nên phục vụ hoàn toàn miễn phí cho các bạn trẻ đến đây. Và mỗi cuốn sách đưa vào thư viện đều được anh Giang chọn lọc rất kĩ càng.
Các bạn có thể đến thư viện để tìm sách hoặc đơn giản là lấy không gian yên tĩnh để tự học, làm bài tập, làm việc nhóm với bạn bè. Một ưu điểm của thư viện là rất thoải mái, gần gũi và dễ chịu, không cần thủ tục rườm rà, mọi người đến đây tự do trong khuôn khổ. Vì vậy, thư viện có khả năng rèn luyện tính tự giác trong văn hóa đọc của các bạn trẻ.
Mượn địa điểm của một quán cà phê đã không còn hoạt động, không gian thư viện không lớn nhưng vẫn rất rộng rãi, luôn đầy đủ ánh sáng và yên tĩnh, có những giỏ hoa được treo trên tường trang trí nhẹ nhàng điểm xuyết, các giá sách ngăn nắp, khoa học.
Thư viện còn có các buổi sinh hoạt, giao lưu tiếng Anh vào thứ 4 và chủ nhật, các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng như: nhặt rác Hồ Gươm, tặng sách cho học sinh các trường,…
Một thư viện với quy mô chưa thực sự lớn nhưng đã khơi dậy và đáp ứng niềm đam mê dành cho sách của rất nhiều người. Bfree vẫn đang không ngừng mở rộng và lan tỏa tới các bạn trẻ trong cộng đồng.
10. Không gian văn hóa Đông Tây
Địa chỉ: Làng Sinh viên Hacinco, 99 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội (Google Map)
Nằm trong khuôn viên làng sinh viên Hacinco, địa điểm thu hút nhiều sinh viên, Cà phê sách Văn hóa Đông Tây đã nhanh chóng thu hút và tạo ra làn sóng văn hóa đọc với giới trẻ. Với diện tích hơn 1.000 m2, giống như thư viện mở dành cho bạn đọc, nơi đây thật sự là chốn lui tới lý tưởng cho người yêu sách do có rất nhiều đầu sách được sắp xếp trên những kệ sách cỡ lớn và theo thành từng khu vực như: Sách thiếu nhi, văn học, sách cũ… giúp khách có thể tìm đọc dễ dàng.
Người đọc đến đây có thể thoải mái lựa chọn những cuốn sách yêu thích, ngồi nhâm nhi bên tách đồ uống và “nghiền ngẫm” những dòng chữ hàng giờ mà không sợ bị… “đuổi”. Nếu tìm được cuốn sách vừa ý, khách hàng có thể mua với giá hợp lý.
Dù hiện nay, các quán cà phê sách mở ra khá nhiều và có phần “na ná” nhau. Tuy nhiên, thư viện cà phê Sách Đông Tây vẫn tạo ra những nét độc đáo riêng. Với mục tiêu sách là nguồn tri thức, sức mạnh dành cho mọi lứa tuổi, tại đây, một không gian riêng được thiết kế dành cho các em nhỏ với cấu trúc như khu vui chơi, kết hợp giá sách. Do đó, các bậc phụ huynh có thể đưa con đến thư viện Cà phê sách Đông Tây để tạo cho trẻ thói quen đọc sách mà không sợ làm các bé cảm thấy nhàm chán. Bản thân các ông bố, bà mẹ cũng có thể quan sát con và tận hưởng thú vui với cuốn sách trên tay.
Bên cạnh đó, việc cả gia đình cùng đọc sách sẽ góp phần thắt chặt tình cảm gia đình. Cha mẹ có cơ hội trò chuyện và giải thích khi các bé đọc sách và có những thắc mắc về cuộc sống. Điều này có lợi hơn nhiều so với việc đưa trẻ đến những quán cà phê sang trọng, cha mẹ ngồi làm việc riêng và “vứt” smartphone hay máy tính bảng cho trẻ xem và chơi những nội dung thiếu lành mạnh.
Để phục vụ nhu cầu của đa số thực khách, đặc biệt là sinh viên, trí thức trẻ, đồ uống tại Cà phê Sách Đông Tây rất đa dạng, nhưng không quá đắt, khoảng 25-45 nghìn đồng. Tuy điểm nhấn của quán là không gian sách đồ sộ, nhưng không vì thế mà chất lượng đồ uống bị bỏ qua. Các nhân viên trong quán phục vụ nhiệt tình lịch sự khiến Cà phê Sách Đông Tây thật sự được lòng thực khách khi đến đây
10. Thư viện L’espace
Địa chỉ: 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Google Map)
Thư viện ở hành lang tầng 2. Nếu đi từ cầu thang gần Café lên thì nó ngay ở phía bên phải, còn đi từ cầu thang chính giữa sảnh tầng 1 thì lại ở phía bên trái.
Điều mình thích nhất ở thư viện L’espace, đầu tiên đó là sự yên tĩnh, và ý thức của mọi người luôn ở mức cao nhất. Mọi người khi bắt đầu bước chân vào tầng 2, chưa nói gì đến thư viện, đều đi lại nhẹ nhàng, không nói to, vì ở hành lang có rất nhiều người đang học/làm việc. Vào thư viện thì sự dễ chịu ấy còn cao hơn. Mọi người, theo mình nghĩ, đến thư viện chỉ để tìm tài liệu, học, làm việc, tra cứu, và mượn sách. Ai cũng bận, ai cũng có việc của mình, nên ai cũng tỏ ra tôn trọng mọi người và tôn trọng chính mình. Không có chuyện chuông điện thoại reo inh ỏi, tiếng cười ha hả như mấy trường Đại học Việt Nam, không có chuyện chạy rầm rầm như rạp chiếu film Việt Nam.
Điều thứ hai, đó là không khí đầy chất học ở thư viện. Cảm tưởng bước vào một nơi mà ai cũng chăm chú vào sách, vào lap, hoặc đeo headphone, lựa sách trong giá, thì ngay cả khi đang nói chuyện cũng phải ngừng lại mà tập trung vào việc của mình. Không khí này cũng là do ý thức cao của mọi người tạo nên mà thôi :). Tuy nhiên, vì cái không khí học quá nghiêm túc ấy, và cũng một phần do phòng lắp toàn đèn vàng nên ngồi học được hơn 1h thấy căng thẳng. Mọi người cũng vậy. Các anh/chị/bạn/em cứ học được nửa giờ là úp mặt xuống bàn ngủ một giấc, xong dậy học tiếp.
Điều thứ ba, và là điều mình thích nhất, là biển tài liệu các loại trên trời dưới đất. Có một giá cạnh bàn thủ thư là sách học tiếng, sách dành cho giáo viên, và sách Toán. Một giá cạnh đó là tạp chí, sách kiến trúc, sách về Sinh học, các môn Khoa học vũ trụ, sách Luật và Công nghệ.
Cạnh cái bàn to đùng giữa phòng, bên phải là giá về Điện ảnh (tất tần tật về phim tài liệu, phim hài, dựng cảnh, đạo diễn, kịch bản, ..), bên trái là sách về Mỹ thuật (nhiều quyển sách ảnh rất hay, nhiều sách về Mỹ thuật thời Phục Hưng, Mỹ thuật Đương đại.)
Giữa phòng có một giá nhỏ đựng từ điển các loại, từ những quyển về ngôn ngữ, cho đến từ điển chuyên ngành, bách khoa toàn thư, thuật ngữ.Có rất nhiều sách của Dương Thu Hương ở giá từ điển (mình không hiểu sao lại thế). Thông tin về Dương Thu Hương các bạn có thể search trên Google, hoặc Amazon (để mua sách luôn).
Bên trái giá từ điển là góc truyện tranh, truyện trang kiểu BD, manga (có cả bộ Bleach bằng tiếng Pháp, đọc ngược từ dưới lên trên).
Cạnh giá từ điển là mấy cái giá xoay được, nhét toàn những quyển khổ A5 nhỏ xíu. Mình thích giá này nhất. Tất cả sách trong mấy cái giá này là cùng một bộ, có tên Que sais-je, dạng encyclopedia (bách khoa toàn thư). Gọi là bách khoa toàn thư chắc nhiều người sẽ nghĩ nó nặng nề quá, nhưng thực ra không phải như thế. Mỗi quyển sẽ nói về một chủ đề khác nhau, VD như về báo chí (journalism), nhiếp ảnh (photography), về lịch sử của xe đạp (history of bike),… Mỗi quyển chỉ dày có hơn 100 trang, đọc xong sẽ có hiểu biết sơ qua về những thứ đấy. Mấy quyển này dành cho những người không trong chuyên môn, ở dạng hiểu biết thêm. Cách trình bày rõ ràng, ngắn gọn, tất nhiên là bằng tiếng Pháp nên nếu không biết tiếng Pháp sẽ khó mà hiểu được.
Góc trong cùng của thư viện, gần một cái bàn to nữa là mấy giá để tiểu thuyết, truyện,… Phần lớn là tiếng Pháp, có một số quyển tiếng Việt (Có truyện Moby Dick bằng tranh, bản rút gọn rất hay). Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) có cả bản tiếng Việt và tiếng Pháp, xếp gần nhau luôn. Hôm nọ mình định mượn 1 quyển mà không được vì đã mượn 2 quyển-mức tối đa cho mượn. Mình nhét quyển định mượn đấy vào giá trên cùng ở góc thư viện, hai hôm sau quay lại vẫn thấy nó ở đấy.
Bên cạnh mấy giá để sách văn học là phòng nghe-xem, bao gồm dãy PC, giá để CD/DVD, và máy xem đĩa. Cần tra cứu thì trình thẻ, được dùng PC nhưng không được cắm ổ USB. Có thể mượn đĩa và xem luôn tại thư viện, hoặc mượn về. Đĩa thì đủ loại, từ nhạc cổ điển, jazz, pop, film các loại, hoạt hình trẻ con, film tài liệu, film Việt Nam.
Ngay ngoài cửa kính của phòng xem-nghe là một màn hình và một bàn phím dùng để tra cứu sách trong thư viện.
Ngay cạnh phòng xem-nghe là phòng đọc cho trẻ con, phòng duy nhất phải bỏ giày dép ở ngoài, và không có bàn ghế (thực ra chỉ có 2 cái bàn nhỏ, ngồi bệt, vì trẻ con không cao đến mức ngồi được lên ghế và với lên bàn). Mấy giá chất đầy truyện màu khổ to, từ truyện ngắn có mấy trang, đến bách khoa toàn thư cho trẻ con bằng tranh các loại (động vật biển, cây cối, cơ thể người, phương tiện giao thông, văn hoá,…) Và một giá chất tạp chí cho trẻ con. Lời khuyên cho các bạn muốn ngồi viết và cần sự yên tĩnh là không ngồi tại phòng này. Có lần mình ngồi viết ở đây, và lúc sau có mấy đứa trẻ con vào khiến mình mất tập trung, nhất là em mặc váy hồng cứ đứng hát Một con vịt mới cả Alouette inh ỏi.
Ở ngay ngoài thư viện, tức là hành lang, cũng có máy tính. Máy tính ở ngoài dùng thích hơn, vì không phải ngồi ghế gỗ như ở trong, mà có ghế xoay. Nhưng nếu cần phải học/tra cứu gì thì nên ngồi máy ở trong phòng.
Ngoài ra, ở khắp các nơi trong thư viện đều có từ điển các loại dùng để tra từ (idiom, Pháp-Việt, Việt-Pháp, Pháp-Pháp, Anh-Pháp). Tất cả từ điển đều là chất lượng cao, ít nhất là của Viện Ngôn ngữ học (mình không có cảm tình với cái NXB này lắm. Mình đang dùng từ điển Pháp-Việt của NXB này, và thấy nhiều phần giải thích rất nhố nhăng). Các bạn chắc vốn tiếng Pháp có thể dùng từ điển Pháp-Pháp (Le Petit Robert, Petit Larousse), hoặc như một đứa học tiếng Anh mòn mồm còn tiếng Pháp thì lởm khởm thì dùng từ điển Anh-Pháp (quyển này to lắm, không biết của NXB nào, chỉ biết là khoảng 35e thôi).
Sau khi làm thẻ (300k/năm cho sinh viên, còn người đi làm thì đắt hơn), sẽ được quyền mượn sách (còn xem sách tại chỗ thì không cần thẻ). Ai cần quyển gì thì chọn, mang ra bàn thủ thư. Cô thủ thư sẽ scan mã, cho mượn đĩa (nếu là CD/DVD film/nhạc, hoặc đĩa kèm theo sách), sau đó có thể mang tài liệu về. Hết 14 ngày là phải đem trả. Trong trường hợp chưa đọc xong, hoặc cần xem thêm một thời gian nữa, thì mang tài liệu đến thư viện để gia hạn mượn thêm.
11. Thư viện iSEE
Địa chỉ: Phòng 203, nhà D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội (đằng sau khách sạn Hà Nội trên đường Trần Huy Liệu, ở mặt hồ Giảng Võ)
Số điện thoại liên hệ: (04) 6273 7933 (máy lẻ 101)
Fanpage: https://www.facebook.com/iseevn/
iSEE có một thư viện mở chào đón tất cả các bạn quan tâm đến cộng đồng LGBT, người dân tộc thiểu số và xã hội dân sự. Phần lớn tài liệu có thể được tặng miễn phí để phục vụ mục đích tìm hiểu, nghiên cứu. Các bạn có thể đóng góp để ủng hộ hoạt động của thư viện và của iSEE.
Các sách hiện có ở Thư viện:
Ngoài ra, iSEE có Thư viện online, nơi bạn có thể xem và tải về các tài liệu mà iSEE có: http://isee.org.vn/vi/Library
(Tác giả: Hà Lương (Co-Founder of YBOX.VN))