Phân biệt giữa Cấp đổi và Cấp lại Chứng minh thư Nhân dân khác nhau như nào?

1057

Chứng minh nhân dân là gì?

Chứng minh nhân dân (viết tắt: CMND, trong khẩu ngữ thường được gọi tắt là chứng minh thư hoặc giấy chứng minh) là tên một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, trong đó có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm căn cước, lai lịch của người được cấp. Giấy chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng toàn Việt Nam trong thời gian 15 năm kể từ ngày cấp gần nhất.

Anh chung minh nhan dan

Bắt đầu từ năm 2016, Chứng minh nhân dân chính thức được thay bằng Căn cước Công dân. Tuy nhiên, tại công an cấp tỉnh, cấp huyện vẫn thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy Chứng minh nhân dân đến ngày 30 tháng 10 năm 2017 chính thức được bãi bỏ.

Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký có hiệu lực từ ngày 30 tháng 10 năm 2017 ban hành về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy Chứng minh nhân dân đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng sẽ được bãi bỏ. Cụ thể, sẽ bỏ yêu cầu xuất trình Chứng minh nhân dân với người đến làm thủ tục đăng ký xe. Các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy Chứng minh nhân dân. Trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú.

Ngoài ra, khi đi làm hộ chiếu, cấp lại hay sửa đổi hộ chiếu, người dân cũng không cần khai ngày tháng năm sinh, số Chứng minh nhân dân… mà thay vào đó là số định danh cá nhân trên Căn cước Công dân

Sự khác nhau giữa Cấp đổi và Cấp lại chứng minh thư nhân dân

Đa phần mọi người đều nghĩ rằng cấp đổi và cấp lại Chứng minh nhân dân (CMND) đều là một. Tuy nhiên đây là 02 thủ tục có những điểm khác nhau nhất định.

Điều kiện thực hiện

Điều kiện cấp đổi CMND:

Thuộc một trong những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi CMND:

1- CMND quá thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp;

2- CMND rách, nát, không rõ ảnh hoặc một trong các thông tin ghi trên CMND;

3- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh (có quyết định của cơ quan có thẩm quyền);

4- Thay đổi nơi thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp chuyển đăng ký hộ khẩu thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố mà công dân có yêu cầu thì được đổi CMND;

5- Thay đổi đặc điểm nhận dạng:

– Đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình hoặc;

– Vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng.

Lưu ý:

Số CMND trong trường hợp thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú khác tỉnh sẽ thay đổi. Các trường hợp khác vẫn giữ số cũ.

Điều kiện cấp lại CMND:

Chỉ trong trường hợp bị mất CMND.

Lưu ý:

Số CMND cấp lại giống với số CMND cũ bị mất.

Thủ tục Cấp đổi và Cấp lại CMND

Thủ tục cấp đổi CMND

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

– Sổ hộ khẩu;

– Đơn trình bày rõ lý do đổi CMND (mẫu CM3) có dán ảnh, đóng dấu giáp lai;

– 02 ảnh 3x4cm (đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục tác phong nghiêm túc, lịch sự);

Xem thêm: Quy định về chụp ảnh CMND/CCCD

– Trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh phải chuẩn bị Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên.

Bước 2:

Nộp hồ sơ tại Công an cấp huyện nơi thường trú và thực hiện:

– Kê khai Tờ khai cấp CMND theo mẫu có sẵn;

– In vân tay 02 ngón trỏ vào chỉ bản, Tờ khai;

– Nộp lại CMND cũ;

– Nộp lệ phí và nhận Giấy biên nhận trả CMND.

Bước 3: Đưa Giấy biên nhận và nhận CMND cấp đổi.

Thủ tục cấp lại CMND

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:

– Sổ hộ khẩu;

– Đơn trình bày rõ lý do cấp lại CMND (mẫu CM3) có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú;

– 02 ảnh 3x4cm (đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục tác phong nghiêm túc, lịch sự);

Xem thêm: Kích cỡ các loại ảnh chuẩn theo CMND

– Hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể)

Bước 2: Tới công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú thực hiện thủ tục

– Kê khai tờ khai cấp CMND theo mẫu;

– Lăn tay 2 ngón trỏ;

– Nộp lệ phí và nhận Giấy biên nhận.

Bước 3: Đưa Giấy biên nhận và nhận CMND cấp lại

Thời hạn giải quyết

Cấp đổi CMND

15 ngày (ở thành phố, thị xã) và trong thời hạn 30 ngày (ở các địa bàn khác).

Cấp lại CMND

15 ngày (ở thành phố, thị xã) và trong thời hạn 30 ngày (ở các địa bàn khác).

Lưu ý: Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập tới thủ tục cấp đổi và cấp lại Chứng minh nhân dân tại các địa phương chưa triển khai cấp thẻ Căn cước công dân.

(Tổng hợp)