Mùa hè đến mang theo nỗi lo bệnh tật từ muỗi. Nhiều người tính đến biện pháp phun thuốc diệt muỗi nhưng lại băn khoăn vì tính độc của nó đối với con người. Vậy phun thuốc muỗi có độc hại? Những ai không nên phun thuốc?
Nhiều người cho rằng phun thuốc để diệt trừ muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ, đôi khi ảnh hưởng cả bà bầu.
Thuốc phun muỗi có thực sự gây độc cho cơ thể con người?
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, nếu có hàng xóm hoặc người sống trong cùng cụm dân cư bị sốt xuất huyết tức là nhà bạn đang nằm trong ổ dịch. Trạm y tế phường, xã sẽ tới từng nhà phun thuốc diệt muỗi cho cả khu.
Ông Phu khẳng định thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch sốt xuất huyết ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người.
Các sản phẩm diệt côn trùng hiện nay gồm ba nhóm: Nhóm có gốc clo hữu cơ, nhóm có gốc phốt pho hữu cơ và nhóm có gốc Pyrethrine. Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng là nhóm Pyrethrine thuốc thuộc thế hệ mới nhất, là thuốc hàng đầu và đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền của Việt Nam cho kết quả an toàn. Hiện các nước trên Thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là lo lắng không có cơ sở.
Sau khi phun, người dân chỉ cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút là vào nhà an toàn. Với một số người có bệnh đường hô hấp hoặc trẻ nhỏ có dễ bị kích ứng (có thể bị ho) thì nên tránh ra ngoài lâu hơn từ 2 tới 3 tiếng sau đó vào nhà.
Ông Cảm cũng cho biết mặt khác với đặc tính chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất này sẽ khuếch tán trong không gian như đã nói ở trên nên thuốc phun chỉ diệt được muỗi vằn trưởng thành nhiễm vi rút truyền bệnh sốt xuất huyết ở thời điểm đó chứ không duy trì được lâu dài, mãi mãi. Khi lượng hóa chất đã hết trong không khí, nếu môi trường xung quanh hoặc ở các hộ dân khác vẫn tồn tại muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết thì muỗi này vẫn có thể tiếp tục bay vào nhà, đốt người. Và như vậy, nguy cơ mắc SXH vẫn xảy ra.
Ông Cảm lưu ý nhiều người dân nghĩ rằng gia đình đã từng phun hóa chất diệt muỗi cách đó một khoảng thời gian và khi vùng có dịch, nhân viên y tế tiếp tục tới phun thuốc nữa sẽ không cần thiết. Điều đó là quan niệm sai lầm. Nếu chỉ một hộ gia đình phun thuốc, có ý thức diệt loăng quăng, bọ gậy nhưng xóm ngõ vẫn để nhiều phế thải đọng nước mưa, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng bệnh thì đàn muỗi mang mầm bệnh vẫn bay từ nhà này qua nhà khác và truyền bệnh .
Ông Cảm một lần nữa lưu ý loại thuốc mà đội dập dịch của y tế dự phòng phường, xã tới nhà phun sẽ được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi phun chống dịch. Nếu nơi nào phun hóa chất chống dịch thu tiền thì không phải lực lượng chống dịch của ngành y tế. Người dân thấy hiện tượng này cần báo lại ngay cho chính quyền ngay lập tức.
Ông Cảm còn cho hay hiện có hiện tượng một số người đến các hộ gia đình mời chào phun thuốc muỗi và có thể có những hành vi lừa đảo, trộm cướp tài sản. Tuy nhiên, thuốc này chưa chắc đã đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, liều lượng, thời gian, hướng phun, pha hóa chất, xử lý sau khi phun theo quy định của Bộ Y tế. Người dân nếu có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường hoặc gọi tới đường dây nóng của các Sở y tế để được tư vấn đầy đủ, tránh bị lợi dụng.
Không phun khi bị hen, viêm phế quản
Theo bác sĩ Vũ Đức Long, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, điều đáng lo ngại là trên thị trường dạng thuốc phun muỗi không rõ nguồn gốc vẫn được tiêu thụ khá nhiều. Những loại này không ghi rõ thành phần hóa học cũng như các chỉ dẫn khác theo quy định về nhãn mác.
Nguy hiểm hơn là có nhiều người tự ý mua thuốc phun muỗi về pha và phun cho nhà mình. Nếu người dân dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài… sẽ dẫn tới tình trạng côn trùng kháng thuốc.
Theo bác sĩ Long, các sản phẩm diệt côn trùng thường được sản xuất theo ba nhóm: Nhóm có gốc clo hữu cơ (gồm các chất như Aldrin, DDVP, DDT, BHC, Lindane), nhóm có gốc phốt pho hữu cơ (gồm Dichlorvos, Mathathion, Diazinon) và nhóm có gốc Pyrethrine. Thuốc xịt muỗi nhóm 1 và 2 đã bị cấm sử dụng do rất độc. Người dùng có thể bị nhiễm độc nếu không mang khẩu trang, bị dị ứng da, chảy nước mắt, ngứa, hắt hơi, khó thở…
PGS.TS Trương Sĩ Niêm, Phó Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, khi phun thuốc muỗi có nhiều độc tính, muỗi càng chết nhanh càng chứng tỏ nồng độ thuốc cao, hóa chất đó có tác dụng rất mạnh. Như vậy, không chỉ muỗi, côn trùng chết mà con người cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc hóa chất vẫn còn tác dụng với muỗi một thời gian dài sau khi phun chứng tỏ thuốc vẫn tồn lưu trong môi trường và con người hằng ngày vẫn phải hít những hóa chất này.
Bác sĩ Long cho biết thêm, hiện có một số thuốc ít độc với môi trường sống, được Bộ Y tế cấp phép. Phun loại thuốc này có thể an toàn tuyệt đối đối với những người khỏe mạnh. Riêng với những người bị đường hô hấp như viêm phế quản mãn tính, bệnh hen, bệnh tim mạch… thì không nên phun. Khi phun phải đảm bảo để cho thuốc khô thì mới vào nhà. Thời gian chờ cho thuốc khô ít nhất phải 2 – 3 tiếng.
(Tổng hợp)