Sự giống và khác nhau giữa Bảo hiểm tiền gửi và Bảo hiểm nhân thọ?

198

Hỏi: Tôi muốn biết sự giống và khác nhau giữa Bảo hiểm tiền gửi và Bảo hiểm nhân thọ?

Tìm hiểu về Bảo hiểm tiền gửi và Bảo hiểm nhân thọ

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi: “Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản”.

Theo Khoản 12 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết”.

Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là một trong những hình thức kinh doanh được xác định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiềnbảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Sự giống và khác nhau giữa Bảo hiểm nhân thọ và Bảo hiểm tiền gửi:

+ Giống nhau:

– Bảo hiểm tiền gửi và Bảo hiểm nhân thọ đều là những phương thức phòng ngừa rủi ro.

+ Khác nhau:

– Mục đích:

Bảo hiểm nhân thọ mục đích sinh lời dựa trên việc chấp nhận rủi ro có thể xảy đến liên quan đến cá nhân người tham gia.

Bảo hiểm tiền gửi nhằm khắc phục những rủi ro liên quan đến tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoạt động không không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

– Đối tượng tham gia:

Việc tham gia Bảo hiểm nhân thọ do cá nhân tự nguyện kí kết hợp đồng.

Việc tham gia Bảo hiểm tiền gửi là bắt buộc đối với Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân.

– Tính và nộp phí:

Phí bảo hiểm nhân thọ đóng theo thỏa thuận giữa người tham gia và đơn vị cung cấp dịch vụ.

Phí bảo hiểm tiền gửi được các tổ chức tham gia nộp theo định kỳ quý (người gửi tiền không phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi). Phí bảo hiểm tiền gửi được tính theo tỷ lệ quy định trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

– Chi trả:

Bảo hiểm nhân thọ chi trả trong trường hợp xảy ra tử vong, hoặc trợ cấp định kỳ trong khoảng thời gian xác định, hoặc khi hết hạn hợp đồng… tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.

Bảo hiểm tiền gửi chi trả khi tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

(Tổng hợp)