Thoái vốn là gì? Doanh nghiệp làm gì khi bị thoái vốn

789

Có rất nhiều hình thức thoái vốn. Có thoái vốn sẽ làm doanh nghiệp tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn, nhưng có những thoái vốn làm doanh nghiệp khổ sở và dẫn tới phá sản.

Thoái vốn là gì?

Thoái vốn là một hình thức rất phổ biến trong đầu tư, khi mà các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức muốn rút vốn đầu tư của mình. Vậy chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản “thoái vốn” chính là cách cá nhân hay tổ chức tham gia hùn vốn với doanh nghiêp hay với một công ty để kinh doanh một cái gì đó mà bây giờ mình quyết định không tham gia nữa, và sẽ rút lại phần vốn của mình thì được gọi là thoái vốn.

Thoai von la gi
Thoái vốn là gi?

Đối với người thoái vốn thì họ cảm nhận được rằng khoản đầu tư của mình đã đến lúc thu thành quả, nhưng đối với tổ chức bị thoái vốn thì họ cần phải làm gì để tránh tác động rút vốn ảnh hưởng đến hoạt động công ty.

Vậy thì cách tốt nhất để đối phó với vấn đề thoái vốn chính là doanh nghiệp nên chuẩn bị trước để đối phó với tình trạng thoái vốn, tránh rơi vào thế bị động.

Việc thoái vốn, dù muốn hay không, vẫn ít nhiều gây nên những xáo trộn trong nội bộ doanh nghiệp. Vậy có cách nào để doanh nghiệp không gặp kết cục buồn khi “chia tay”?

Doanh nghiệp nên làm gì khi bị thoái vốn

Chủ động tìm hiểu

Đối với hầu hết các tổ chức đầu tư, vấn đề thoái vốn luôn nằm trong kế hoạch. Trước khi quyết định đầu tư vào Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo, BankInvest đã nghĩ đến việc thoái vốn bằng cách bán lại khoản đầu tư của mình cho các công ty giải khát. Hay từ cuối năm 2009, tuy chưa thoái vốn khỏi Công ty Chứng khoán TP.HCM, nhưng Công ty Cổ phần Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đã liên tục đưa tin về chiến lược bán bớt cổ phần tại đây. Vì thế, không khó để doanh nghiệp biết được ý định của đối tác.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Bộ phận Tài chính Doanh nghiệp Công ty Chứng khoán Bản Việt, điều quan trọng là “doanh nghiệp phải biết chính xác thời điểm, thời hạn, hình thức cũng như quy mô thoái vốn”. Muốn thế, doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi với các tổ chức đầu tư.

Đặc biệt, đối với những khoản góp vốn đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp cần lưu ý đến nguồn gốc vốn của quỹ. Bởi lẽ, khi một quỹ đầu tư sắp đến hạn đóng quỹ, như Mekong Enterprise Fund (MEF) của Mekong Capital, việc rút vốn là điều khó tránh khỏi.

Doanh nghiệp cũng cần theo dõi tình hình kinh doanh của tổ chức đầu tư. Trong trường hợp tổ chức đầu tư gặp khó khăn hay muốn tập trung vào ngành nghề chính như Công ty Cổ phần Savimex, Công ty Cao su Hòa Bình, động thái thường thấy là bán bớt những khoản mục đầu tư ngoài ngành.

Khủng hoảng tài chính cũng là nguyên nhân tác động đến mức độ quan tâm của các tổ chức đầu tư dành cho doanh nghiệp. Một số quỹ đầu tư là Dragon Capital, Quỹ Tầm nhìn SSI đã cơ cấu lại danh mục và điều chỉnh chu kỳ đầu tư. Vì thế, việc quan sát và dự báo xu hướng đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp đỡ lúng túng khi thoái vốn xảy ra.

Công bố thông tin kịp thời

Khi xảy ra thoái vốn, nhất là những khoản thoái vốn trên quy mô lớn, nhà đầu tư, đặc biệt là những cổ đông nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp, sẽ cảm thấy bất an. Lúc này, những thông tin kịp thời, chính xác sẽ làm giảm sự hoang mang. Chẳng hạn, Dragon Capital, dù đã bán hơn 19 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, nhưng những thông tin được công bố rõ ràng đã làm giảm tác động lên giá cổ phiếu STB.

Tuy nhiên, để có thể đưa tin kịp thời và giảm thiểu những tác động tiêu cực, doanh nghiệp cần nghĩ đến những điều kiện ràng buộc. Chẳng hạn, trong điều khoản hợp đồng mua bán, doanh nghiệp cần quy định rõ mức thoái vốn cho phép trong một thời gian nhất định (ví dụ, tổ chức đầu tư sở hữu 20% cổ phần thì không được thoái vốn quá 10% mỗi năm sau 3 năm hạn chế chuyển nhượng). Hay doanh nghiệp cần yêu cầu tổ chức tài chính báo trước kế hoạch thoái vốn để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm rõ phương thức thoái vốn để có cách xử lý thích hợp.

Tìm hiểu đối tác mới

Trường hợp cổ đông chiến lược thoái vốn qua hình thức bán cổ phần cho đối tác khác, doanh nghiệp có thuận lợi là không phải tìm đối tác thay thế. Chẳng hạn, khi Mekong Capital chuyển nhượng toàn bộ vốn góp ở Công ty Cổ phần Gas Sài Gòn cho Elf Gas, giao dịch cổ phiếu của Gas Sài Gòn trên thị trường đã không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với doanh nghiệp là cần tìm hiểu kỹ về đối tác mới.

Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia quá trình tìm kiếm đối tác, như Sacombank đã cùng bàn thảo với ANZ Việt Nam về việc tìm đối tác chuyển nhượng như thế nào khi ANZ thoái vốn khỏi Sacombank. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ nên tìm kiếm sự đồng thuận trên cơ sở bảo vệ quyền lợi đôi bên chứ không nên gây khó khăn cho việc thoái vốn.

Kế hoạch quản lý vốn

Kế hoạch quản lý vốn được vạch ra từ trước sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn như hoạch định kế hoạch tăng vốn hay mua cổ phiếu quỹ một cách phù hợp.

Ví dụ, nếu có nhà đầu tư đang tiến hành thoái vốn, doanh nghiệp không nên tăng vốn để tránh nguồn cung tăng đột biến, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị cổ phiếu. Hoặc nếu có ý định mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp nên chọn thời điểm mua vào và thương lượng với tổ chức có ý định bán ra để việc chuyển nhượng, dù trên quy mô lớn, vẫn không gây ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu của công ty.

Một kế hoạch quản lý vốn chặt chẽ cũng bao gồm cả việc phân bổ thành phần ban quản lý hợp lý để tránh những xáo trộn về nhân sự giữa kỳ.

Tập trung sản xuất kinh doanh

Nhà đầu tư tham gia góp vốn hay rút vốn khỏi doanh nghiệp, suy cho cùng cũng đều dựa trên tình hình doanh nghiệp, chỉ khác là người ra đi rút lui sau khi đã “cày cấy” và nhận thấy đến lúc phải “thu hoạch”. Còn người mới đến quyết định đầu tư vì nhìn thấy triển vọng của doanh nghiệp.

Bởi thế, doanh nghiệp nên tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là cách để chứng minh cho cổ đông, nhất là những cổ đông mới, thấy được tiềm năng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

(Sưu tầm)