Thử thách Cá voi xanh được cho là bắt nguồn từ mạng xã hội tại Nga và tính đến nay đã gây ra cái chết cho 130 thanh thiếu niên. Những hậu quả chết người của một trò chơi trên mạng xã hội khiến người ta phải nhìn nhận lại nhiều điều.
Hậu quả thực tế của trò chơi Thử thách cá voi xanh
Hindustan Times đưa tin ngày 12/8, Ankan Dey, cậu bé 14 tuổi người Ấn Độ tự sát bằng cách dùng túi nylon bọc quanh đầu và buộc chặt bằng dây quấn quanh cổ trong nhà tắm.
Ông Gopinath Dey, cha nạn nhân kể lại: “Hôm đó, Ankan đi học về và ngồi trước máy tính. Khi vợ tôi là bà Sampa gọi con ra ăn trưa, nó bảo muốn đi tắm trước. Chúng tôi chờ rất lâu không thấy con trở ra nên đã phá cửa và thấy con nằm bất tỉnh trên sàn. Chúng tôi đưa con đến bệnh viện nhưng Ankan không qua khỏi”.
Bạn bè của Ankan khai báo với cảnh sát rằng cậu đã tham gia thử thách Cá voi xanh – trò chơi trên mạng xã hội. Đây là trò chơi yêu cầu người tham gia thực hiện các hành động mạo hiểm, tự làm tổn thương bản thân trong 50 ngày trước khi tự sát để giành chiến thắng cuối cùng.
Tháng trước, một cậu bé tuổi teen khác đến từ Ấn Độ cũng nhảy lầu tự sát sau khi tham gia vào thử thách chết người này.
Thử thách cá voi xanh là gì?
Thử thách cá voi xanh là 1 trò chơi trên mạng xã hội và bắt nguồn từ Nga. Những người quản trò sẽ đưa ra thử thách trực tiếp cho mỗi người tham gia vào lúc 4h20 sáng. Thử thách bắt đầu từ những thứ đơn giản như xem phim kinh dị cho đến tự làm tổn thương bản thân và cuối cùng, vào ngày thứ 50 của thử thách, người chơi sẽ chọn một địa điểm để tự sát.
Tờ Novaya Gazeta của Nga đưa tin: “Chúng tôi đếm được 130 vụ tự tử của trẻ em diễn ra từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016. Hầu như tất cả những đứa trẻ này đều là thành viên của cùng một nhóm internet và có cuộc sống hạnh phúc cùng gia đình”.
Bắt đầu từ Nga, trò chơi này đã lan ra thế giới. Rất nhiều người trở thành nạn nhân của thử thách Cá voi xanh khiến những nhà hoạt động xã hội phải liên tục cảnh báo cũng như lưu ý gia đình có con trong tuổi thiếu niên hãy để ý, quan tâm đến con cái nhiều hơn.
Nạn nhân của trò chơi này có thể kể đến những trường hợp như hai nữ sinh Yulia Konstantinova, 15 tuổi, và Veronika Volkova, 16 tuổi, tự sát bằng việc nhảy xuống từ mái nhà một căn hộ 14 tầng. Yulia để lại một ghi chú “Kết thúc” trên trang cá nhân sau khi cô đăng hình ảnh của một con cá voi xanh lớn.
Một cô gái 15 tuổi khác giấu tên cũng bị thương nặng sau khi rơi xuống đất đầy tuyết từ căn hộ tầng năm tại Krasnoyarsk, Siberia. Một cô gái 14 tuổi đến từ Chita (Nga) đã tự sát bằng việc lao vào tàu điện ngầm.
Một cậu bé 13 tuổi đã được cứu thoát sau khi có người nhìn thấy cậu đang đứng trên mái nhà ở Lviv, Ukraine. Trong khi đó, cô gái 15 tuổi Yulia Konstantinova đã được gia đình ngăn cản kịp thời khi tìm cách tự tử và đang được hồi phục tại một bệnh viện ở Barcelona.
Quốc hội Nga đã đề xuất một dự luật đề nghị quy trách nhiệm hình sự đối với việc thành lập các nhóm tự tử trên các phương tiện truyền thông xã hội, những người kích động người khác tự tử. Mức án đề xuất là 4 năm tù.
Sự nguy hiểm thực sự phía sau trào lưu này
Ngay sau cái chết của 3 thanh niên tại Ấn Độ, chính quyền tại các thành phố này đã lên tiếng đề nghị các mạng xã hội như Google, Facebook, WhatsApp, Instagram, Microsoft và Yahoo loại bỏ hết những đường link liên quan đến thử thách Cá voi xanh ngay lập tức.
“Các trường hợp trẻ em tự tử liên quan đến thử thách Cá voi xanh đã được báo cáo ở Ấn Độ. Các vị được yêu cầu đảm bảo rằng bất kỳ liên kết nào của trò chơi chết người này sẽ được gỡ bỏ khỏi nền tảng của các vị ngay lập tức”, trích đoạn trong một lá thư mà Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ gửi đến những chuyên gia cung cấp dịch vụ Internet.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn sự lan truyền của thử thách Cá voi xanh không chỉ bằng những biện pháp đơn giản như vậy. Bởi những người tổ chức và tham gia trò chơi sẽ có vô vàn cách khác nhau để thực hiện thử thách này.
Philippe Budeikin – được cho là người khởi xướng thử thách Cá voi xanh tại Nga – khi bị bắt đã khai nhận với tờ St. Petersburg rằng nhóm của anh ta có tên gọi ‘F57’. Rất nhiều các bạn tuổi teen khi tham gia trò chơi này cùng Philippe Budeikin đã để lại dòng #F57 ở bên dưới để đánh dấu.
Tờ News Minutes đã tìm hiểu và nhận ra thử thách Cá voi xanh có vô vàn những cách gọi khác nhau như A Silent House, A Sea of Whales and Wake Me Up at 4:20am.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, vấn đề không phải nằm ở trò chơi này mà sự nguy hiểm của thử thách Cá voi xanh nằm ở chính tâm lý bất ổn tuổi dậy thì của các bạn trẻ khi lạm dụng mạng xã hội.
Chính Philippe Budeikin khi bị bắt và kết tội kích động tự sát đã gọi những nạn nhân là “chất thải sinh học” còn hắn đang tìm cách làm sạch xã hội. “Đúng, tôi đã làm thế. Đừng lo lắng, mọi người sẽ hiểu thôi. Họ chết trong hạnh phúc. Tôi chỉ cho họ những điều họ không có trong cuộc sống: sự ấm áp, kiến thức và kết nối”.
Sự nguy hiểm của trò chơi nằm ở chỗ, những người tham gia không có kết nối với bất cứ ai ngoài quản trị của trò chơi – người sẽ trực tiếp giao những thử thách để họ thực hiện. Những thử thách này hoạt động bí mật và người tham gia đều thực hiện những điều này một mình, không ai xung quanh họ biết và ngăn chặn trước khi hậu quả xấu nhất xảy ra.
Sự phát triển quá nhanh của công nghệ và mạng xã hội cũng đã mang đến những hậu quả. Theo một nghiên cứu của Chen & Lee (2013), có một mối liên hệ giữa thời gian online và sự suy giảm giao tiếp trực diện với gia đình và bạn bè, dẫn đến cảm giác cô đơn và trầm cảm.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, việc thường xuyên theo dõi cuộc sống của người khác trên facebook đã tạo ra một cảm giác thiếu thốn và không thích hợp vì họ có khuynh hướng tin rằng người khác có cuộc sống tốt hơn bản thân họ. Điều này đã tạo ra một tâm lý tự ti thua kém và thậm chí là mất niềm tin vào bản thân.
Sự thiếu quan tâm của gia đình, áp lực học hành và nạn bắt nạt học đường là những nguyên nhân gây đến chứng trầm cảm cho thanh thiếu niên. Họ tìm đến mạng xã hội như một cách giải tỏa nhưng lại không thể hiểu hết được những nguy cơ đang rình rập.
(Tổng hợp)