Thủ tục thực hiện, loại hình và việc nộp thuế khi tái nhập thiết bị đã được hiệu chuẩn

249

Nội dung câu hỏi:

Kính gửi: Cục Hải quan Bình Dương!

Công ty chuyên gia công các loại dụng cụ y tế (kim khâu phẫu thuật, kim khâu mổ…các loại). Các thiết bị dùng để kiểm tra sản phẩm (xem có đạt tiêu chuẩn để xuất đi nước ngoài hay không) thường xuyên phải gửi cho phía công ty thuê gia công ở Nhật để sửa chữa, hiệu chuẩn. Việc sữa chữa, hiệu chuẩn thiết bị này công ty bắt đầu phải phải thanh toán chi phí sửa chữa, hiệu chuẩn cho phía Nhật Bản.

Công ty xin hỏi về thủ tục thực hiện, loại hình và việc nộp thuế khi tái nhập thiết bị đã được hiệu chuẩn?

Câu trả lời:

Về vướng mắc của công ty, Cục Hải quan Bình Dương xin được trao đổi như sau:

1- Về thủ tục:

Căn cứ khoản 2 Điều 55 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định: “Điều 55. Hàng hóa tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập để bảo hành, sửa chữa …

2. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa tạm xuất – tái nhập:

a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;

b) Giấy phép xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.

3. Địa điểm làm thủ tục hải quan: Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

4. Thời hạn tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập: Thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Chi cục Hải quan khi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất.

5. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này”.

2- Về thuế nhập khẩu:

Căn cứ Khoản 4 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định: “4, Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa đưa ra nước ngoài sửa chữa, khi nhập khẩu về Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế thì trị giá hải quan là chi phí thực trả để sửa chữa hàng hóa nhập khẩu phù hợp với các chứng từ liên quan đến việc sửa chữa hàng hóa.”

3- Về thuế giá trị gia tăng:

Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định: “Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT 2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tạI Việt Nam, bao gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật”.

Trên đây là trao đổi của Cục Hải quan Bình Dương với quý công ty, câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm chi tiết, cụ thể quy trình thực tế, kính đề nghị quý Công ty liên hệ với Chi cục Hải quan nơi làm tục hải quan cho Công ty để được hướng dẫn cụ thể.

Trân trọng thông báo gửi quý doanh nghiệp được biết!