Thuê xe ô tô tự lái dịp Tết và những điều cần lưu ý

211

Với những người đã có kinh nghiệm thuê xe tự lái thì mọi chuyện có lẽ thật đơn giản, nhưng với những người lần đầu tìm đến dịch vụ này thì cần lưu ý một số điều sau.

Thuê xe ô tô tự lái là loại hình dịch vụ vô cùng tiện ích và đặc biệt nở rộ vào dịp cuối năm. Nếu có nhu cầu đi xa trong dịp Tết mà lại muốn đảm bảo an toàn thì thuê ô tô tự lái là giải pháp được khá nhiều người lựa chọn.

Hiện nay có rất nhiều nơi cho thuê xe tự lái, có thể là các tổ chức với quy mô lớn nhưng cũng có thể là các cá nhân dư thừa xe trong khoảng thời gian đó. Thủ tục và giá thuê xe phụ thuộc vào chính người cho thuê chứ không có bất cứ một quy chuẩn chung nào. Tuy nhiên, dù thế nào thì người cho thuê xe vẫn là người cầm chuôi trong mọi tình huống và khi có sự cố xảy ra thì người đi thuê vẫn luôn là người chịu thiệt thòi hơn cả. Chính vì thế việc trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tránh bị hớ khi đi thuê xe là điều cần thiết.

1. Xác định mục đích thuê xe ô tô tự lái

Đây là điều đầu tiên bạn cần làm trước khi thuê xe. Việc xác định được mục đích thuê xe giúp bạn lựa chọn được loại xe cũng như gói dịch vụ phù hợp hơn. Một số điều cần xác định như:

– Quãng đường đi lại bao xa
– Đường đi dễ hay khó
– Thời gian đi
– Số lượng người đi

Căn cứ vào địa hình đi dễ hay khó, bạn có thể biết được mình nên chọn xe đa dụng hay xe du lịch. Căn cứ vào số người đi, bạn có thể xác định được nên chọn xe 4 chỗ hay xe 7 chỗ… Căn cứ vào thời gian đi và quãng đường đi để lựa chọn gói dịch vụ cho phù hợp.

Nếu bạn chọn thuê xe ô tô tự lái theo ngày thì thường sẽ bị hạn chế số km. Khi đó, bạn cần hỏi kỹ xem số tiền phải trả cho 1km phụ trội là bao nhiêu để tránh bị hớ sau khi thuê.

Ngoài ra bạn cũng cần tìm hiểu kỹ các địa điểm cho thuê xe để chọn được nơi cho xe đáng tin cậy.

2. Gọi và đặt xe sớm

Sau khi tìm được địa chỉ thuê xe uy tín, bạn có thể nhấc máy lên và liên lạc với người cho thuê. Bạn cũng nên đặt trước một khoản tiền để đảm bảo chủ xe sẽ giữ xe cho bạn trong khoảng thời gian đó để tránh nhỡ việc.

Chú ý là thuê xe trong dịp Tết thì chi phí cao hơn so với ngày thường khá nhiều, và trong thời điểm đó cũng thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm xe nên chủ thuê xe càng có cơ hội đẩy giá thuê lên cao, thậm chí là gấp rưỡi giá thuê bình thường.

Việc đặt xe sớm sẽ giúp bạn giữ được xe đồng thời mức chi phí bạn phải bỏ ra để thuê xe không bị đội lên quá nhiều.

3. Mang đầy đủ giấy tờ cần thiết khi đi thuê xe

Thông thường, để có thể thuê xe ô tô tự lái, bạn sẽ cần mang theo Chứng mình thư nhân dân, Sổ hộ khẩu, Giấy phép lái xe, phương tiện để thế chấp. Nếu bạn không có đủ các loại giấy tờ trên hoặc không có phương tiện thế chấp thì bạn cần phải mang theo một khoản tiền để đặt cọc.

4. Kiểm tra giấy tờ xe

Đây là việc rất quan trọng mà khá nhiều người thuê xe bỏ qua. Bạn cần yêu cầu chủ xe cho xem giấy tờ xe, thời hạn lưu hành… Trong trường hợp chẳng may bị cảnh sát giao thông tuýt còi, bạn sẽ gặp rắc rối nếu thời hạn lưu hành xe đã hết. Mức phạt đối với xe hết hạn đăng kiểm là 2-3 triệu đồng và 30 ngày giữ xe.

Bảo hiểm xe cũng là giấy tờ quan trọng mà bạn cần phải xem xét. Thông thường, sẽ có 2 loại bảo hiểm là bảo hiểm thân vỏ và bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự luôn bắt buộc phải có, còn bảo hiểm thân vỏ thì do chủ xe mua để đề phòng va chạm. Nếu xe có bảo hiểm thân vỏ thì khi bị tai nạn hay va quệt, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường chi phí sửa chữa và bạn sẽ không bị tốn chi phí.

5. Kiểm tra bên ngoài xe

Khi nhận xe, bạn cần kiểm tra thật kỹ lưỡng để tránh phải chịu những khoản phí trên trời rơi xuống. Đã có rất nhiều trường hợp, người thuê xe chỉ kiểm tra qua loa rồi sau đó về phải chịu tiền chi phí không hề nhỏ để đền một vết xước có từ đời nào.

Bạn cũng cần thiết phải kiểm tra toàn bộ các chức năng của xe xem có sử dụng tốt không, kiểm tra thêm gương chiếu hậu và các phụ kiện khác. Bạn cần để ý để tránh “vớ” phải một chiếc xe bị hỏng vặt dọc đường. Lốp và phục tùng đi kèm cũng là những thứ mà bạn nên để mắt đến.

6. Kiểm tra nội thất xe

Tiếp theo, bạn cần kiểm tra nội thất xe. Hãy bật khóa điện, khởi động máy, kiểm tra ổ đĩa CD, DVD, loa, còi, cảm biến lùi… Nếu một trong số các thiết bị trên có biểu hiện lạ thì bạn cần yêu cầu chủ xe các nhận tình trạng của thiết bị đó hoặc đổi xe khác. Nếu các thiết bị trên vẫn hoạt động bình thường thì bạn hãy tắt máy và khởi động lại, sau đó bật tất cả các thiết bị đó lên để kiểm tra một lần nữa để đảm bảo rằng các thiết bị đó hoạt động ổn định.

Sau đó, hãy kiểm tra ghế ngồi xe xem có chắc chắn không, có bị bong tróc phần da phủ không; kiểm tra phần lót chân có bị rách hay cháy góc nào không. Bạn cũng nên chú ý tới tay nắm cửa phía trong xe, mặt táp lô, hệ thống kính điện…

Lốp dự phòng cũng là một thứ bạn không nên bỏ qua khi kiểm tra xe. Hãy xem lốp còn sử dụng được không hay chỉ là vật trang trí? Kiểm tra cả bóng đèn sơ cua, hộp đổ, kích xe, cầu trì. Nếu thiếu một trong các dụng cụ đó thì bạn có thể yêu cầu chủ xe bổ sung cho bạn. Bạn cần kiểm tra kẹp chì ở công tơ mét, kiểm tra số km đã đi, lượng nhiên liệu còn lại trong bình.

Cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng, bạn hãy yêu cầu chủ xe cho lái thử một vòng để kiểm tra tổng thể các hệ thống trên xe, xem hệ thống lái, giảm xóc và điều hòa có hoạt động tốt không.

7. Thỏa thuận số km phụ trội

Bạn cần xem xét các điều khoản về gói dịch vụ thuê xe: thời gian cho thuê, hạn chế bao nhiêu km một ngày (200-300km) , giá tiền phụ trội cho mỗi km là bao nhiêu (2.500 – 3.000 đồng/km). Tất cả những điều này cần phải được ghi chép cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng thuê xê.

8. Làm hợp đồng thuê xe chặt chẽ

Như đã nói lúc đầu, để có thể thuê được xe tốt và tránh bị “hét” giá, bạn nên xác đinh thời điểm sử dụng xe và thuê đặt trước khoảng nửa tháng. Tham khảo thêm giá thuê xe tự lái trên mạng trước khi làm hợp đồng cũng là một ý hay.

Khi làm hợp đồng, hãy yêu cầu người cho thuê xe bổ sung các điều khoản đền bù trong trường hợp giao không đúng xe, không đúng thời gian. Hãy chú ý và yêu cầu chủ xe điền đầy đủ các thông tin như: thuê xe loại nào, đời xe, màu xe để tránh nhận phải những chiếc xe cũ kỹ kém an toàn.

9. Ghi nhớ một vài số điện thoại cứu hộ

Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đều có rất nhiều đơn vị cứu hộ giao thông. Bạn nên lưu một vài số cứu hộ đề phòng trường hợp chiếc xe “dở chứng” trên đường.

10. Trả xe

Khi trả xe, bạn nên cùng chủ xe kiểm tra tình trạng xe, chốt số km cuối cùng để tính chi phí cần trả. Nếu chẳng may gặp phải tai nạn hay va quệt xe dẫn đề phải đền bù cho chủ xe thì nên nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn số tiền cần bồi thường để tránh đôi co hay tránh những đòi hỏi đền bù quá mức.

Hiện nay chưa có một quy chế chuẩn mực cho việt thuê xe mà các quy chế này thường do bên cho thuê đặt ra và người đi thuê luôn là người chịu thiệt thòi hơn. Chính vì thế, bản thân người đi thuê xe ô tô tự lái phải luôn cẩn trọng trong từng thủ tục.