Làm thế nào để được kết hôn với Việt Kiều bên Mỹ? Thủ tục kết hôn ra sao và chính sách của Nhà nước Việt Nam với vấn đề kết hôn với Việt Kiều Mỹ thế nào?
HƯỚNG DẪN THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
(Theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006)
I. Thành phần hồ sơ:
Hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nộp tại Sở Tư pháp Tp. Hồ Chí Minh bao gồm những giấy tờ sau:
1. Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định, có chữ ký và dán ảnh của hai bên nam, nữ.
2. Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.
Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó.
Mẫu này ở Việt Nam thường được gọi là ” Chứng Nhận Độc Thân “. Mẫu này thường do cơ quan hộ tịch của các thành phố nước ngoài cấp, thông thường viên chức liên quan sẽ truy xét hồ sơ đăng kí kết hôn của địa phương để cấp chứng nhận chưa từng đăng ký kết hôn, hoặc trong trường hợp đã li dị hay người phối ngẫu đã mất thì kể từ ngày li dị hay người phối ngẫu mất đến hiện tại không hề đăng ký kết hôn lần nữa. Người đã li dị hay có phối ngẫu đã qua đời phải mang về Việt Nam giấy li dị hoặc khai tử, nếu là bản sao thì phải có thị thực.
3. Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
4. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).
5. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
Ngoài các giấy tờ quy định trên, đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.
II. Số lượng hồ sơ: 02 bộ
III. Lưu ý:
1. Hồ sơ nộp tại phòng Hộ tịch – Quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, số 141 – 143 Pasteur phường 6, quận 3.
2. Khi đến nộp hồ sơ kết hôn hai bên nam nữ phải có mặt và xuất trình CMND, Hộ chiếu, Thị thực nhập cảnh, Sổ hộ khẩu. Trong trường hợp chỉ có mặt một bên đến nộp hồ sơ thì bên vắng mặt (là người đang cư trú ở nước ngoài) phải có giấy ủy quyền được chứng thực hợp lệ. Giấy ủy quyền ghi rõ nội dung ủy quyền nộp hồ sơ kết hôn và lý do ủy quyền.
3. Ngày phỏng vấn được ấn định và ghi trực tiếp trên biên nhận nộp hồ sơ. Khi nhận Giấy chứng nhận kết hôn phải có đầy đủ 2 bên nam, nữ, xuất trình CMND, Hộ chiếu, Visa để ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và sổ bộ.
4. Các văn bản bằng tiếng nước ngoài phải nộp bản chính, kèm bản dịch ra tiếng Việt của cơ quan có thẩm quyền.
– Văn bản được cấp từ cơ quan Đại diện ngoại giao của nước ngoài đang trú đóng tại Việt Nam thì do Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo qui định của Bộ Ngoại giao).
– Văn bản được cấp từ nước ngoài do cơ quan Lãnh sự Việt Nam tại nước đó hợp pháp hóa (trừ trường hợp các nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam có quy ước miễn hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ dùng cho việc kết hôn theo công văn 246-CV/NGLS ngày 31/05/2005 của Bộ Ngoại giao).
– Trường hợp văn bản được cấp từ nước ngoài đã mang về Việt Nam nhưng chưa được hợp pháp hóa thì văn bản này phải thông qua cơ quan Ngoại giao của nước họ đang trú đóng tại Việt Nam thị thực. Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hay cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại theo công văn 246-CV/NGLS ngày 31/05/2005 của Bộ Ngoại giao).
– Đối với công dân có quốc tịch Pháp ngoài giấy xác nhận hiện tại không có vợ hoặc không có chồng còn phải được Tổng Lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận khả năng kết hôn (Công hàm số 472/AL ngày 12/5/2003 của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam).
5. Thời hạn giải quyết hồ sơ là 22 ngày làm việc.
Sau ngày hẹn trả hồ sơ 07 ngày nếu 2 bên nam nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì hồ sơ sẽ bị huỷ bỏ (không hoàn lại lệ phí). Trường hợp có lý do chính đáng, có yêu cầu khác về thời gian phải có đơn trình bày và hẹn ngày đến ký Giấy chứng nhận kết hôn, nhưng thời hạn kéo dài thêm không quá 90 ngày. Hết thời hạn này nếu các đương sự vẫn có yêu cầu kết hôn thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
6. Địa chỉ cơ quan liên hệ:
– Phòng Tư pháp các quận, huyện (để chứng thực sao y bản chính và dịch thuật).
– Sở Ngoại vụ thành phố, số 06 Alexandre Rhodes, quận 1 (để hợp pháp hóa các giấy tờ).
– Khám sức khỏe tâm thần tại thành phố Hồ Chí Minh:
+ Trung tâm sức khỏe tâm thần số 192 đường Bến Hàm Tử, phường 1, quận 5.
+ Bệnh viện Chợ Rẫy số 201B đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5.
Chú thích của CMI Vietnam:
1/ Trường hợp người ở nước ngoài không thể về Việt Nam chờ đợi hạn 22 ngày để nhận Chứng Nhận Kết Hôn, thì có thể ủy quyền cho vợ / chồng ở trong nước đi nộp hồ sơ Đăng Kí Kết Hôn trước , người ở nước ngoài vẫn phải trù tình để về Việt Nam vào ngày hẹn phỏng vấn của sở Tư Pháp (sau khi nộp đơn kết hôn) và ở lại đến ngày nhận hôn thú.
2/ Dù rất ít khi bị từ chối cấp Chứng Nhận Kết Hôn, nhưng vẫn có trường hợp bị từ chối. Sở Tư Pháp có thể từ chối trong 1 số trường hợp điển hình như sau:
– Hai bên cách biệt tuổi tác quá xa và người vợ/chồng lớn tuổi hơn (thường là người nước ngoài) bị tàn tật hay qúa yếu đuối để chăm sóc, chia sẻ đời sống với người phối ngẫu.
– Người phối ngẫu nước ngoài không phải là Việt Kiều và hai bên không chứng minh được khả năng căn bản để giao tiếp, thông hiểu nhau vì khác biệt ngôn ngữ. Thí dụ: Người trong nước không chứng minh được sự hiểu biết tối thiểu về ngôn ngữ của vợ/chồng người nước ngoài .
– Nếu có bằng chứng hay sự tố cáo về việc hôn nhân giả tạo vì bất cứ mục đích gì. Hoặc bị người thứ ba đang sống chung với 1 trong hai bên tố cáo có bằng cớ về mối quan hệ này như con cái, tài sản chung mà chưa được giải quyết thỏa đáng theo pháp luật. Hoặc người nước ngoài đã nhiều lần kết hôn, li dị, bảo lãnh nhiều người trong nước, vấn đề này ở Việt Nam chưa có khung luật định nhưng sở Tư Pháp có thể từ chối khi phỏng vấn mà hai bên không trả lời thỏa đáng được về các cuộc hôn nhân trước. Cũng có trường hợp bị từ chối vì xác minh ở địa phương người trong nước là hai người có quan hệ họ hàng gần như anh, chị, em có cha mẹ là chú, bác, cô, dì ruột, hoặc là anh, chị, em ruột của vợ/chồng vừa li dị .
Cá biệt có sở Tư Pháp địa phương đòi hỏi khai sinh gốc Việt Nam của Việt Kiều hay các bằng chứng khi còn ở Việt Nam chưa lập gia dình hoặc đòi giấy li hôn của người nước ngoài trong trường hợp trước đây có sống chung không hôn thú với 1 người khác mà ở nước ngoài không có thủ tục li hôn chính thức cho trường hợp này, những đòi hỏi này nhiều khi không đáp ứng được sẽ gặp rắc rối về thủ tục. Người ở Việt Nam nên chuẩn bị tiếp cận sở Tư Pháp địa phương trước để tìm hiểu các phương hướng giải quyết.
Visa định cư ở Mỹ |
(Theo cmivnedu.com)