Tổ chức Hamas là ai? mạnh cỡ nào mà dám “bắn phá” Israel?

507

Lực lượng quân sự chủ lực của Hamas chỉ có khoảng 1,5-2 vạn người, trang bị đa số vũ khí cá nhân hạng nhẹ và một phần nhỏ hạng nặng, tầm xa.

Hamas là gì (ai)?

Hamas là một trong nhưng tổ chức hồi giáo vũ trang lớn nhất ở khu vực Trung Đông và là lớn nhất ở Palestine hiện nay. Hamas là từ viết tắt cho Harakat al-Muqawama al-Islamiyya (tiếng Ả Rập: حركة المقاومة الاسلامية), có nghĩa là “Phong trào Kháng chiến Hồi giáo“.

Ngày 14 tháng 12 năm 1987, chỉ ít ngày sau khi cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel (còn được gọi là Intifada lần thứ nhất) bùng nổ, Phong trào Hồi giáo Sunni Vũ trang Hamas đã được thành lập với mục tiêu dài hạn là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948.

Khẩu hiệu của Hamas là “Allah là mục tiêu, Nhà tiên tri Muhammad là hình mẫu, Kinh Koran là hiến pháp, Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành“. Vì những lý do đó, Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel. Và để thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo, đối với họ, không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành cuộc thánh chiến.

Trong tiếng Ả Rập, Hamas có nghĩa là “nhiệt huyết”, “lửa”. Các hành động của Hamas không đi ngược lại tiêu chí này. Đánh bom liều chết là một yếu tố mà Hamas coi là vũ khí trong cuộc chiến chống lại Israel.

Người ta biết đến Hamas nhiều hơn với vai trò là một phong trào quân sự. Nhưng thực tế, các hoạt động của họ trong lĩnh vực xã hội cũng khá rộng rãi. Trong khi các phong trào Hồi giáo vũ trang khác như Jihad, lữ đoàn tử vì đạo Al-Aqsa ít phát triển, thì Hamas ngày càng lớn mạnh và giành được sự ủng hộ nhờ các chương trình phúc lợi xã hội lớn. Hamas mở các trường dạy cho trẻ em Hồi giáo, mở bệnh viện và trang trải cuộc sống cho gia đình các phần tử vũ trang nhờ vào tiền quyên góp của các nhà hảo tâm người Palestine lưu vong. Nguồn tài chính được ước đoán hàng tỷ đô la Mỹ nhờ hoạt động quyên góp này đã trang trải cho các hoạt động xã hội và qua đó, Hamas giành được uy tín lớn trong người dân Palestine.

Kể từ ngày đầu thành lập tới nay, Hamas luôn là “tâm điểm đáng chú ý” trên thế giới khi hầu như năm nào cũng tiến hành các vụ tấn công từ nhỏ đến lớn với Israel.

Hamas là gì là ai

Cánh quân sự của Hamas thường được biết tới là “Lữ đoàn Al-Qassam” hoặc có tên đầy đủ là “Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam” được thành lập năm 1993.

Đáng lưu ý, dù được xem là lực lượng “quân đội của Hamas”, thế nhưng họ có chỉ huy riêng và không nhận lệnh từ bộ phận lãnh đạo chung của Tổ chức Hamas, thậm chí “không chia sẻ kế hoạch trước khi hành động”.

Tổ chức Hamas có bao nhiêu quân?

Dù được gọi là “Lữ đoàn”, nhưng quân số thường trực của Al-Qassam bằng hai sư đoàn (khoảng 15.000-20.000 người). Các binh sĩ thường giấu kín danh tính, vị trí trong tổ chức từ lúc gia nhập tới khi chết hoặc “nghỉ hưu”, họ thường xuất hiện với mũ chùm kín đầu chỉ để hở ra đôi mắt trong hầu hết hoạt động bên ngoài.

Hamas sử dụng vũ khí gì?

Về trang bị vũ khí, lữ đoàn Al-Qassam chủ yếu có trong “kho đạn dược” các loại vũ khí mang tính cá nhân, dùng cho chiến thuật du kích, thiếu vắng các trang bị cơ giới hạng nặng.

Phần lớn các binh sĩ Hamas được trang bị khẩu súng trường huyền thoại Ak-47. Tuy nhiên, có một số bằng chứng ghi nhận Hamas có cả súng trường tiên tiến như AK-103 hay FN2000 không rõ có từ nguồn nào.

Về vũ khí hạng trung, Hamas được trang bị một số tổ hợp tên lửa chống tăng khá tốt có nguồn gốc từ Nga và cả Pháp có thể được mua qua nguồn chợ đen. Cụ thể, với tên lửa chống tăng, giới tình báo xác định họ có trong tay các tổ hợp Kornet, Konkurs, Bulsae (Triều Tiên) và 9K11 Malyutka.

Ngoài ra, họ có thể có cả loại tên lửa chống tăng MILAN của Pháp. Nhiều khả năng, Hamas có được loại vũ khí này từ kho vũ khí Quân đội Syria bị đánh cắp trong cuộc nội chiến kéo dài gần 10 năm nay.

Hamas cũng có năng lực phòng không với một số loại súng pháo cao xạ cỡ nhỏ 12,7-23mm và đặc biệt gồm cả tên lửa vác vai SA-7. Bên cạnh đó, có nguồn tin cho rằng họ nhận được cả tên lửa Igla và Igla-S từ Libya.

Dẫu vậy, loại vũ khí được xem là nguy hiểm nhất mà Hamas có trong tay có thể tấn công bất cứ thành phố nào của Israel phải là các hệ thống rocket không điều khiển đa chủng loại mà tổ chức này tự sản xuất hoặc nhận viện trợ từ Syria.

Để tiến sâu hơn vào lãnh thổ Israel, Hamas thường sử dụng đạn rocket M-75 sản xuất theo mẫu Fajr 5 của Iran có tầm phóng khoảng 75km.

Về cách thức chiến đấu với Israel kể từ ngày đầu thành lập, Hamas được cho là chủ yếu dùng chiến thuật đánh bom tự sát và dùng rocket tầm xa pháo kích các Tel-Aviv và các thánh phố nằm sâu trong lãnh thổ Nhà nước Do Thái. Các cuộc tấn công của Hamas hầu như vẫn tiến hành đều đặt trong những năm qua đặt quan hệ giữa Palestine với Israel luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”.

(Tổng hợp)