Thành lập từ năm 1967, so với nhiều đài truyền hình châu Á ở Đại lục, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… TVB được xem là một trong những đơn vị sản xuất phim ảnh có bề dày lịch sử lâu đời với 52 năm kinh nghiệm.
TVB là gì?
TVB (viết tắt từ tiếng Anh: Television Broadcasts Limited, chữ Hoa phồn thể: 電視廣播有限公司, nghĩa là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát thanh Truyền hình) là một đài truyền hình thương mại tại Hồng Kông. Đài TVB bắt đầu phát sóng ngày 19 tháng 11 năm 1967.
TVB là một trong ba đài phát thanh truyền hình miễn phí qua sóng ở Hồng Kông, hai đài kia là RTHK và HKTVE. Trong giai đoạn 1967-1973, đây là đài duy nhất phát sóng tại Hồng Kông, cho nên người Hồng Kông ngày nay vẫn quen gọi đài này là Vô tuyến điện thị (無綫電視, nghĩa là Vô tuyến truyền hình) hoặc chỉ đơn giản là Vô tuyến (無綫). Hiện nay, TVB vẫn là một trong những đài phát sóng bằng tiếng Hoa lớn nhất trên thế giới.
Từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990 là thời kỳ phát triển cực thịnh, thăng hoa của nền công nghiệp sản xuất phim ảnh Hong Kong nói chung và của TVB nói riêng. Vào giai đoạn “thập kỷ vàng”, nhà đài xứ Cảng thơm có hơn 500 phim lớn nhỏ được ra mắt một năm. Các tác phẩm của TVB lan tỏa và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân châu Á.
Các dịch vụ đài TVB cung cấp
TVB điều hành một số kênh truyền hình miễn phí tại Hồng Kông. Hai kênh nổi tiếng nhất của TVB là TVB Jade (tiếng Quảng Đông) và TVB Pearl (tiếng Anh). Truyền hình kỹ thuật số được TVB chính thức áp dụng vào ngày 31/12/2007 với 2 kênh là J2 và iNEWS. Những kênh này đều đạt tiêu chuẩn về cá hình ảnh và âm thanh HD; trong đó, kênh HD Jade là kênh duy nhất tại Hồng Kông hiện nay phát sóng độ nét cao (HD) 24 giờ/ngày.
Hiện tại, TVB có 5 kênh truyền hình quảng bá là:
TVB Jade (tiếng Trung: 翡翠台): kênh truyền hình tổng hợp phát sóng bằng tiếng Quảng Đông, phát sóng từ ngày 19 tháng 11 năm 1967.
TVB Pearl (tiếng Trung: 明珠台): kênh truyền hình tổng hợp phát sóng bằng tiếng Anh, một số chương trình được phát sóng thêm tiếng Quảng Đông và tiếng Phổ thông, phát sóng từ ngày 19 tháng 11 năm 1967.
TVB J2: kênh truyền hình giải trí tổng hợp dành cho khán giả là thanh thiếu niên, phát sóng bằng các ngôn ngữ: tiếng Quảng Đông, tiếng Phổ thông, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hàn, bắt đầu phát sóng thử nghiệm từ 15 giờ, ngày 28 tháng 1 năm 2008 và phát sóng chính thức từ 15 giờ, ngày 30 tháng 6 năm 2008.
TVB Finance (tiếng Trung: 無綫財經台): kênh truyền hình chuyên về tin tức kinh tế và tài chính, phát sóng chủ yếu bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Quảng Đông, tiếng Phổ thông và tiếng Anh. Tiền thân là kênh HD Jade, phát sóng từ ngày 31 tháng 12 năm 2007. Ngày 22 tháng 2 năm 2016, kênh đổi tên thành TVB J5 và từ ngày 15 tháng 8 năm 2017 có tên gọi như hiện nay.
TVB News (tiếng Trung: 無綫新聞台): kênh tin tức 24/24 giờ. Phát sóng thử nghiệm từ ngày 11 tháng 11 năm 2008, phát sóng chính thức từ ngày 1 tháng 1 năm 2009 với tên gọi TVB I-News. Từ ngày 15 tháng 8 năm 2017, kênh có tên gọi TVB News như hiện nay.
TVB cũng phát sóng cho các cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài. Sản phẩm của TVB được xem tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Ma Cao, Mỹ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, Ai-len, New Zealand, Thái Lan, Malaysia và Singapore, tại những quốc gia khác, trên các kênh riêng của TVB như TVBS-Châu Âu [ thuê bao dịch vụ vệ tinh]. Tại Đài Loan, TVB hoạt động thông qua chi nhánh TVBS của họ.
TVB thời kỳ đỉnh cao
Nhiều ngôi sao điện ảnh và nhạc pop Hồng Kông đã bắt đầu sự nghiệp của họ tại đài TVB thông qua các bộ phim truyền hình được sản xuất bởi TVB. Các sự kiện đặc biệt của TVB như lễ kỷ niệm hàng năm của TVB được phát sóng rộng rãi. TVB cũng tổ chức các chương trình thi tuyển tài năng như Hoa hậu Hồng Kông và cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Trung Hoa quốc tế. Thí sinh thành công có thể nhận được hợp đồng với TVB và đại diện cho Hong Kong tham gia cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới, bao gồm cả cuộc thi Miss World.
Những thể loại phim vốn gần gũi, quen thuộc như cảnh sát – hình sự, cổ trang võ hiệp, thâm cung nội chiến, thương trường, gia đình, nghề nghiệp đều được TVB nâng tầm đưa màn lên màn ảnh, thu hút hàng triệu khán giả, trở thành “món đặc sản” riêng của nhà đài Hong Kong và là kênh tham khảo cho các nhà làm phim.
52 năm qua, có không ít các tác phẩm do TVB sản xuất đã đi vào hàng kinh điển của điện ảnh châu Á và được xem là chuẩn mực khi đem so với các phiên bản khác như series võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Cổ Long hay Thâm cung nội chiến, Bến Thượng Hải, Gia hảo nguyệt viên, Đại thời đại, Bằng chứng thép, Bao la vùng trời…
Trong đó, bộ phim Thâm cung nội chiến được xem là nguồn cảm hứng cho các hãng phim ở Đại lục với đề tài cung đấu như Hậu cung Chân Hoàn truyện, Mỹ nhân tâm kế, Sơn hà luyến mỹ nhân vô lệ… Hoặc tác phẩm lấy chủ đề tình thân là Gia hảo nguyệt viên cứ đúng dịp Trung thu hàng năm cũng là lựa chọn chiếu lại hàng đầu của nhiều nhà đài Trung Quốc.
Thậm chí, trong giai đoạn hoàng kim của mình, các bộ phim gán mác “made in Hong Kong” từng đại náo nhiều đài truyền hình ở Đại lục. Mở đầu là CCTV với tác phẩm Hoắc Nguyên Giáp 1983 kéo dài cho đến tận những năm 2000 mới suy tàn.
Trên đà thành công, TVB tự mở lớp đào tạo diễn xuất, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài để nối dài ánh hào quang. Dưới trướng nhà đài, những ngôi sao điện ảnh được phát hiện và nâng đỡ để trở thành các sao tên tuổi hàng đầu showbiz như Lưu Đức Hoa, Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ, Cổ Thiên Lạc, Trương Vệ Kiện và lứa nghệ sĩ vừa có tài vừa có sắc như Lê Tư, Lý Gia Hân, Xa Thi Mạn, Trương Mạn Ngọc, Thái Thiếu Phân…
Không chỉ phim ảnh, tạp chí/ chương trình giải trí/ ấn phẩm băng đĩa phim/ lễ trao giải, kỷ niệm của TVB cũng được giới truyền thông lẫn công chúng các nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, các buổi lễ trao giải, kỷ niệm được tổ chức hoành tráng, xa hoa và quy tụ gần như tất cả dàn sao nổi tiếng hàng đầu Hong Kong đến tham dự không ít lần làm khán giả choáng ngợp.
Nghệ sĩ đến tiệc của TVB không những không mất tiền, nếu vận số may mắn nhiều khi còn có quà mang về do nhà đài luôn tổ chức các trò chơi với khoản tiền thưởng hậu hĩnh dành riêng cho các sao. Năm 2016, nam diễn viên Lý Gia từng trúng được 130.000 USD sau khi tham gia vào trò chơi đỏ đen tại lễ Khánh đài lần thứ 49.
TVB hiện tại
Ở thời kỳ “ăn nên làm ra” dưới trướng người sáng lập Thiệu Dật Phu, các tác phẩm của TVB dù ở bất kỳ thể nào đều để lại dư âm và ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Tuy nhiên, sau năm 2004, phim của đài hiếm có bộ nào gây được tiếng vang và được đón nhận nồng nhiệt như ngày xưa, thậm chí còn hứng chịu búa rìu của dư luận do lạm dụng cảnh nóng và bạo lực. Không chỉ vậy, nhà đài thường xuyên bị phàn nàn vì kỹ xảo ba xu bối cảnh cũ rích, kịch bản thiếu sáng tạo, chắp vá như nồi lẩu thập cẩm, dàn diễn viên trẻ diễn xuất yếu kém.
Ngoài ra, việc TVB nhất quán đi theo con đường “tự cung tự cấp”, đi ngược dòng chảy của nền kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân khiến nền sản xuất trì trệ, phim lên sóng thiếu sự chỉn chu. Theo trang QQ, mỗi năm TVB tự bỏ vốn sản xuất khoảng 20-30 phim. Với kế hoạch khổng lồ như vậy, ngân sách của nhà đài khó có thể kham nổi.
Trong khi đó, các nhà làm phim tại Đại lục tìm kiếm nhiều nguồn vốn từ bên ngoài. Họ có những phim trường rộng lớn, lực lượng nghệ sĩ trẻ hùng hậu, phát hành phim từ nhiều nền tảng như sóng truyền hình, trang web online. Đầu năm 2019, TVB đã ngừng hợp tác sản xuất với các ứng dụng như Tencent, iQiyi. Việc này được nhận xét là nước cờ thiếu khôn ngoan khiến doanh thu của đài giảm sút hơn 43% chỉ trong 6 tháng đầu năm, vô tình làm TVB lỗ chồng lỗ.
Sự suy thoái của TVB thể hiện qua chỉ số rating. Theo Kknews, thập niên 1980-1990, đa số phim đạt tỷ lệ người xem trên 30%, có những tập đạt rating trên 45% như Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ, Ỷ thiên đồ long ký, Tây du ký, Hồ sơ trinh sát… Từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ người xem giảm sút rõ rệt, chỉ ở mức trung bình từ 20 đến 26%.
Nguyên nhân là vì nhà đài mất đi một khối lượng lớn các giám chế, biên kịch, diễn viên tài năng khiến bộ sậu sản xuất qua các đời ngày càng mỏng. Tờ QQ nhận định nhà đài Hong Kong hiện tại đang đối mặt với sự thiếu hụt tài năng trầm trọng nhất trong lịch sử hơn 50 năm mà lý do sâu xa đều bắt nguồn từ cách hành xử “vắt chanh bỏ vỏ”, ép giá cát-xê, chế độ đãi ngộ bạc bẽo của TVB.
Nhiều nghệ sĩ kỳ cựu như Xa Thi Mạn, Đới Chí Vỹ, Quách Chính Hồng cho đến Lâm Phong, Hồ Hạnh Nhi, Ngô Trác Hy đều quyết định dứt áo ra đi để tìm cơ hội mới tại thị trường Đại lục, Đài Loan. Việc này đã tạo nên trào lưu “Bắc tiến” trong giới nghệ sĩ Hong Kong. Từ đó xảy ra tình trạng chảy máu nhân tài.
“Đến Đài Loan là kế sách cuối cùng, trở về Hong Kong là nghe theo tiếng gọi của con tim, còn sang Đại lục là xu thế chung của thời đại. Tương lai các nghệ sĩ xứ Cảng thơm vẫn sẽ lấy Đại lục là thị trường trọng tâm phát triển sự nghiệp”, nam tài tử Trịnh Gia Dĩnh chia sẻ.
Các diễn viên trẻ do TVB tích cực lăng xê gần đây không để lại bất kỳ dấu ấn trong mắt khán giả. Những gương mặt sáng giá cho màn ảnh nhỏ của nhà đài từ nguồn cung Hoa hậu Hong Kong trong một thập niên trở lại đây như Trần Khải Lâm, Thái Tư Bối, Hoàng Tâm Dĩnh, Chu Thần Lệ… không chỉ chẳng được đánh giá cao về diễn xuất mà còn bị nhận xét kém sắc hơn các đàn chị đi trước. Chưa kể cuộc thi này ngày càng giảm uy tín vì chất lượng thí sinh đi xuống, vướng các bê bối đời tư rúng động.
“Nhìn lại giai đoạn vàng son với nhân tài đầy ắp, danh tiếng lừng lẫy cũng đủ để chứng minh đài truyền hình xứ Cảng thơm không phải ‘hữu danh vô thực’. Thế nhưng, trong thời đại đào thải khốc liệt, TVB chỉ còn là cái bóng thời quá khứ, hào quang cũng lùi dần vào dĩ vãng. Mong rằng nhà đài Hong Kong không trở thành ATV thứ 2, suy yếu rồi sụp đổ vĩnh viễn để lại nuối tiếc trong thanh xuân của nhiều thế hệ”, QQ bình luận.
(Tổng hợp)