Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội lớn nhất của thanh niên Việt Nam dưới Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổ chức này do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
Bối cảnh ra đời của tổ chức Đoàn thanh niên
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn. Tại hội nghị, Ban Chấp hành lần thứ Hai họp từ ngày 20 đến 26/3/1931, Trung ương Đảng đã dành một ngày trong thời gian hội nghị để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng.
Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt ấy, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (họp từ ngày 22 đến 25/3/1961 tại Hà Nội) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn.
Ý nghĩa Ngày thành lập Đoàn 26-3
Cuối tháng 3 nǎm 1931, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ hai tại Sài Gòn, dưới sự chủ toạ của Tổng bí thư Trần Phú. Hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách và tǎng cường thành phần công nhân trong Đảng. Cũng tại Hội nghị này, nhận thấy vai trò của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng nên đã đề ra quyết định “Cần kíp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn” và chỉ thị cho các tổ chức Đảng ở các địa phương quan tâm đến việc xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên.
Từ đó, Đoàn TNCS Đông Dương ra đời. Qua các giai đoạn của Cách mạng, tổ chức này trải qua các tên gọi như: Đoàn thanh niên dân chủ, Đoàn thanh niên phản đế, Đoàn thanh niên cứu quốc, Đoàn thanh niên lao động và ngày nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cùng đất nước, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình. Từ ngày 23 đến ngày 25-5-1961, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đoàn lấy ngày 26-3, một ngày trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương tháng 3-1931 làm kỷ niệm thành lập Đoàn.
Lịch sử ra đời của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn.
Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.
Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng nước ta; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu – Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 – 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.
Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:
-Từ 1931 – 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh khi mới thành lập)
-Từ 1937 – 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
-Từ 11/1939 – 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
-Từ 5/1941 – 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
-Từ 25/10/1956 – 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
-Từ 2/1970 – 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh
-Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Những thế hệ thanh niên kế tiếp nhau đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì chủ nghĩa xã hội đã liên tiếp lập nên những chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc.
Ý nghĩa chiếc huy hiệu đoàn là gì?
Tại Đại hội đại biểu thanh niên toàn quốc năm 1951 tại Việt Bắc, cán bộ Trung ương Đoàn các cấp muốn đoàn viên có một chiếc huy hiệu với biểu trưng riêng. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận và họa sĩ Tôn Đức Lượng được tổ họa sĩ của Trung ương Đoàn giao trách nhiệm sáng tác mẫu huy hiệu. Hai mẫu của hai họa sĩ đã được thông qua và đưa tới Bác Hồ duyệt. Bác Hồ đã duyệt mẫu của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Bác còn đề dưới bản vẽ dòng chữ: “Thanh niên tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”.
Thiết kế Huy hiệu có hình tròn, trên nền sọc xanh lá và trắng là hình ảnh một cánh tay nắm chắc lá cờ Tổ quốc đi lên. Chạy xung quanh hình tròn lớn là dòng chữ “ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH”; Huy hiệu có 4 màu: Xanh lá, đỏ cờ, vàng, trắng (không màu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Huy hiệu Đoàn thanh niên là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên, ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác, trong học tập, lao động và rèn luyện đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát…”.
Thật vậy, thanh niên chính là lớp người tinh hoa nhất của mỗi dân tộc, họ là sự hòa quyện của nhiệt huyết tuổi trẻ với lòng chính nghĩa và tinh thần xung kích đến cao độ. Nước ta đang đi theo con đường chủ nghĩa xã hội để có thể giành độc lập hoàn toàn và triệt để, trong công cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đó đã khắc họa sâu sắc công lao của lớp lớp thanh niên nhiều thế hệ.
Tìm hiểu thêm về chi Đoàn
Chi Đoàn là gì?
Chi đoàn là tổ chức tế bào của tổ chức cơ sở Đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi. Chi đoàn là đơn trị trực thuộc của Tổ chức cơ sở Đoàn.
Chi đoàn có thể thành lập phân đoàn. Chi đoàn sinh hoạt định kỳ 1 tháng 1 lần.
Ở những nơi vùng sâu vùng xa, miền núi, nơi có đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi công tác rời khỏi địa bàn nếu được sự đồng ý của đoàn cấp trên có thể định kỳ sinh hoạt 3 tháng 1 lần.
Một đơn vị có từ 2 chi đoàn trở lên và ít nhất 30 đoàn viên có thể thành lập Đoàn cơ sở.
Điều kiện tối thiểu để thành lập nên một chi đoàn cơ sở
Là phải có từ 3 đoàn viên trở lên. Để có thể trở thành đoàn viên, mỗi thanh niên cần đáp ứng các tiêu chí sau:
Thứ nhất: Nằm trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi.
Thứ hai: Tích cực học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu vì mục đích, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc; có lối sống lành mạnh, cần kiệm, trung thực; tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động, hoạt động xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó mật thiết với thanh niên;
Thứ ba: Đã được tìm hiểu về Đoàn và tán thành Điều lệ Đoàn, tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đoàn;
Thứ tư: Có lý lịch rõ ràng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước
Như vậy, điều kiện tối thiểu thành lập chi đoàn là cần đáp ứng đủ số lượng đoàn viên tối thiểu theo quy định của điều lệ đoàn. Nếu chưa đủ số lượng thành viên thì Đoàn cấp trên sẽ giới thiệu đến sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở Đoàn thích hợp. Chi đoàn có thể thành lập các phân đoàn.
Chức năng, nhiệm vụ của chi đoàn
Là một đơn vị chịu sự quản lý trực tiếp từ Đoàn cơ sở nên chi đoàn sẽ là bộ máy giúp việc cho Tổ chức đoàn cơ sở thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.
+ Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ, chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.
+ Phối hợp với chính quyền và các đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền.
Phân loại chi đoàn
+ Chi đoàn có tính chất đặc thù:
Đây là các chi đoàn được thành lập trong các tổ chức có tính chất đặc thù như thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, các đội hình lao động trẻ, các đơn vị, tổ, đội, nhóm công tác, hợp tác xã …. Do có tính chất đặc thù là không cố định theo đơn vị địa lý hành chính nào hoặc có tính chất tạm thời nên những chi đoàn này nếu có thời gian hoạt động từ 6 tháng trở lên có thể trực thuộc đoàn cấp trên trực tiếp nơi lập ra chi đoàn đó hoặc trực thuộc đoàn cơ sở nơi các chi đoàn đó hoạt động.
Trong các khu tập thể, khu nhà trọ của công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp v.v… chưa có tổ chức Đoàn thì đoàn xã, phường, thị trấn nơi đó tiến hành thành lập các chi đoàn trực thuộc. Các chi đoàn này sẽ là hạt nhân để tiến tới thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp.
Việc thành lập chi đoàn ở những nơi đào tạo theo tín chỉ do ban chấp hành đoàn trường căn cứ điều kiện cụ thể quyết định cho phù hợp trên cơ sở Hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Đối với những đơn vị có liên kết đào tạo, đoàn viên sinh hoạt và chịu sự quản lý của chi đoàn, đoàn trường nơi đoàn viên học tập.
+ Chi đoàn tạm thời
Đây là những chi đoàn được thành lập và hoạt động trong khoảng thời gian ngắn từ 1 đến dưới 6 tháng dựa theo tính chất khẩn cấp của hoàn cảnh, điều kiện thực tế.
Ví dụ trong các đội xung kích, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện đáp ứng đủ điều kiện về số lượng đoàn viên thì có thể đề nghị đoàn cấp trên thành lập chi đoàn tạm thời, sau đó thành lập ra ban chấp hành chi đoàn lâm thời, bí thư, phó bí thư, ủy viên và bàn giao nơi nhận.
Chi đoàn tạm thời có nhiệm vụ tổ chức hoạt động thực hiện nghị quyết của đoàn cấp trên nơi đang sinh hoạt, lao động, công tác, quản lý đoàn viên, thu nộp đoàn phí và giữ mối liên hệ với cấp bộ đoàn nơi thành lập.
(Tổng hợp)